Chuyên mục  


nph-6944-1719495758037164897973.jpg

Cơ quan thuế phát hiện một người làm đại diện pháp luật 116 công ty tại TP.HCM. Ảnh minh họa người dân làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đáng chú ý, khi kiểm tra thực tế thì các công ty này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Cho rằng có dấu hiệu rủi ro cao, các chi cục thuế đã báo cáo Cục Thuế TP.HCM và chuyển hồ sơ cá nhân thành lập 116 công ty này cho công an.

116 công ty đều có tên nước ngoài

Ngày 19-6, Chi cục Thuế Q.6 đã có văn bản cảnh báo gửi Cục Thuế TP.HCM và các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM.

Chi cục Thuế Q.6 cho biết tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), phát hiện bà N.T.H (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có 5 công ty đặt tại Q.6.

nph6909-17194958933632071463890.jpg

Cơ quan thuế cho biết hiện nay, sau khi doanh nghiệp thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải hiện diện để đối chiếu căn cước công dân - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Theo thông tin mà Tuổi Trẻ Online có được, 116 công ty do bà N.T.H làm đại diện pháp luật trải đều các quận, huyện tại TP.HCM. Trong đó tập trung nhiều nhất tại quận Tân Bình với 22 doanh nghiệp, tiếp theo là quận Tân Phú với 15 doanh nghiệp.

Tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức, bà N.T.H làm đại diện pháp luật 11 doanh nghiệp. Trong khi tại Q.10 và Chi cục Thuế khu vực Q.7- Nhà Bè, bà N.T.H thành lập 10 doanh nghiệp, Q.5 có 9 doanh nghiệp.

Còn tại Q.1, Q.3, Q.4, Q.6, Q.8, Q.11, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận...cá nhân này đứng đại diện từ 2-5 doanh nghiệp.

Đáng lưu ý 116 công ty này đều đăng ký tại TP.HCM và đăng ký với tên nước ngoài.

Chi cục Thuế Q.6 cho biết đã kết hợp với UBND phường kiểm tra xác minh thực tế trụ sở của 5 công ty trên địa bàn quận này. Kết quả cho thấy 5 công ty đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Sau đó, chi cục thuế Q.6 rà soát thông tin đăng ký doanh nghiệp của người đại diện pháp, tra cứu dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế và phát hiện bà N. T. H. đã dùng căn cước công dân được cấp năm 2022 để đăng ký thành lập 116 công ty.

Cục Thuế TP.HCM nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 27-6, ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết 116 doanh nghiệp này đều mới thành lập từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024.

"Chỉ trong vòng 3, 4 tháng cá nhân này liên tục thành lập cả trăm doanh nghiệp. Khi thấy hiện tượng bất thường trên, các chi cục thuế đã mời đại diện doanh nghiệp lên để tuyên truyền nhưng chủ doanh nghiệp không lên.

Sau đó khi cơ quan thuế đi kiểm tra thì các doanh nghiệp đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, có nơi địa chỉ không có thật", ông Dũng nói.

Trước dấu hiệu bất thường này, cơ quan thuế đã gửi công văn cho Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM đề nghị rà soát, đồng thời gửi văn bản cho công an.

Theo ông Dũng, hiện nay quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch - Đầu tư rất thoáng. Do vậy thời gian qua nhiều trường hợp đã lợi dụng thành lập hàng loạt doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT…

Do vậy hiện nay, sau khi doanh nghiệp thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải hiện diện để đối chiếu căn cước công dân. "Một mặt vừa phổ biến chính sách pháp luật về thuế nhưng một mặt là để nhận diện, nắm bắt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ.

Sẽ mở rộng rà soát những cá nhân có nhiều doanh nghiệp

Cục Thuế TP.HCM cho biết đang tiếp tục rà soát và mở rộng ra cả những cá nhân có nhiều doanh nghiệp chứ không riêng trường hợp này. Tới đây khi Nghị định 123 được sửa đổi quy định sẽ ngày càng chặt chẽ hơn để tránh trường hợp lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp để mua bán hóa đơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020