Chuyên mục  


Thông điệp của bà Sheikh Hasina được con trai Sajeeb Wazed đăng trên mạng xã hội X ngày 13/8, đánh dấu lần đầu tiên cựu thủ tướng Bangladesh lên tiếng kể từ khi phải từ chức và rời đất nước sau phong trào biểu tình bạo lực.

Hasina, 76 tuổi, nhắc về những thành viên trong gia đình đã thiệt mạng khi bố bà, ông Sheikh Mujibur Rahman, người sáng lập đất nước, bị ám sát vào tháng 8/1975. Vợ và ba con trai của ông Rahman cùng những cộng sự thân thiết đã bị quân đội sát hại trong cuộc đảo chính.

Bà Hasina sau đó đề cập tới tình hình hiện nay của Bangladesh, cho rằng "những kẻ nhân danh biểu tình" đã gây ra tình trạng bạo lực, đốt phá trên khắp đất nước, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có sinh viên, giáo viên, nhà báo các lãnh đạo chính trị và cả cảnh sát.

"Với những người đã mất đi người thân như tôi, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất. Tôi cũng đề nghị mở cuộc điều tra những kẻ gây ra các cuộc tàn sát, phá hoại này và bắt họ chịu hình phạt thích đáng", bà Hasina cho biết.

Cựu thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại Paris, Pháp, hồi tháng 11/2021. Ảnh: AP

Bà cho hay đám đông biểu tình đã tấn công ngôi nhà thời thơ ấu của bà, nơi đã trở thành bảo tàng, và phá hủy các bức tượng của ông Rahman.

"Giờ đây chỉ còn lại tro bụi. Những ký ức chúng ta lưu giữ đã hóa tro tàn vì sự thiếu tôn trọng với ông Rahman, người đã lãnh đạo chúng ta có được tự do, sự công nhận, lòng tự tôn. Máu của hàng nghìn người lính đấu tranh vì tự do đã bị xúc phạm. Tôi muốn đòi lại công lý cho những giá trị này", bà Hasina nói thêm.

Cựu thủ tướng Bangladesh không tiết lộ nơi ở hiện nay của mình. Bà được cho là đã tới Ấn Độ sau khi rời Bangladesh và có kế hoạch xin tị nạn ở một quốc gia châu Âu.

Thời điểm ông Rahman bị ám sát năm 1975, bà Hasina 28 tuổi và đang ở nước ngoài. Bà về nước năm 1981 để nắm quyền lãnh đạo đảng Liên đoàn Awami của cha, bắt đầu cuộc đấu tranh chính trị kéo dài một thập kỷ.

Năm 1990, bà Hasina hợp tác với đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) của chính trị gia Khaleda Zia để tham gia lật đổ nhà độc tài quân sự Muhammad Ershad, qua đó chấm dứt chế độ quân chủ ở Bangladesh.

Năm 1996, Liên đoàn Awami thắng cử, bà Hasina trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Bangladesh, nhưng thất cử trước đối thủ Zia năm 2001. Năm 2009, bà Hasina tiếp tục thắng cử và trở thành thủ tướng, lãnh đạo Bangladesh trong 15 năm liên tục tới ngày 5/8.

Bangladesh từ đầu tháng 7 chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra khắp cả nước. Sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng con cháu cựu chiến binh.

Tòa án Tối cao Bangladesh đã giảm hạn ngạch dành cho con cháu cựu chiến binh, nhưng không thể xoa dịu các cuộc biểu tình, khi họ đưa ra yêu sách đòi bà Hasina từ chức.

Cảnh sát Bangladesh đã mạnh tay trấn áp, khiến bạo lực nổ ra, hơn 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Do áp lực từ các cuộc biểu tình và sức ép của quân đội, bà Hasina đã chấp nhận từ chức và lên trực thăng rời Bangladesh sang Ấn Độ ngày 5/8.

Chính phủ lâm thời Bangladesh do ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, đã tuyên thệ nhậm chức hôm 8/8 và có nhiệm vụ tổ chức bầu cử tìm ra lãnh đạo mới.

Con trai của bà Hasina cho biết bà sẽ về nước khi chính phủ lâm thời quyết định tổ chức bầu cử, nhưng không nói rõ bà có ra tranh cử hay không. Đảng Liên đoàn Awami của cựu thủ tướng Hasina không tham gia chính phủ lâm thời.

Ngọc Ánh (Theo NDTV/Reuters/AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020