Mùa đông năm 1982, Tang Caiying, khi đó là nữ lao công 46 tuổi tại bệnh viện ở Tân Dư, tỉnh Giang Tây, tìm thấy một bé gái sơ sinh được quấn trong tấm áo khoác, bị bỏ lại cạnh đường ray xe lửa trên đường bà đến bệnh viện đi làm.
Bà Tang ẵm em bé về nhà, cho ăn, tắm rửa, rồi đặt tên là Fangfang, nghĩa là "hương thơm" giống như hoa nở. Bà Tang khi đó đã là mẹ của 5 con, đứa nhỏ nhất 12 tuổi.
Vài năm sau, bà Tang phát hiện thêm một bé gái bị bỏ rơi tại bệnh viện. Bà mang em bé về chăm sóc, đặt tên là Zhenzhen, nghĩa là "món quà quý giá".
Kể từ đó trở đi, bà tiếp tục nhận nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Tổng cộng, bà Tang, hiện 88 tuổi, đã tiếp nhận và nuôi nấng 38 trẻ, hầu hết là trẻ sơ sinh, một số bị bỏ trong thùng rác, hoặc bên ngoài bệnh viện dưới tiết trời lạnh giá.
Cụ bà Tang (mang áo đỏ, giày đỏ ngồi giữa) cùng đàn cháu được bà cưu mang. Ảnh: Weibo
Bà thu xếp cho các em bé ở một căn phòng không sử dụng tại bệnh viện, dành thời gian theo dõi sức khỏe, cho chúng ăn. Chồng bà ban đầu không hiểu được hành động của vợ, khi cho rằng thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng thậm chí không đủ nuôi 5 con ruột.
Nhưng bà Tang vẫn kiên trì, quyết tâm cứu lấy những sinh mạng bà gặp được. Theo thời gian, chồng bà xuôi lòng, hết mực thương yêu đám trẻ.
Sau khi nghỉ hưu ở bệnh viện, bà Tang chắt bóp lương hưu, đi nhặt rác để kiếm tiền mua sữa, thức ăn cho các cháu. Khi ngày càng già yếu, cụ bà lựa chọn các gia đình nhận nuôi đám trẻ một cách cẩn thận.
Những đứa trẻ cuối cùng được bà nhận nuôi là một cặp sinh đôi. Bà Tang đặt tên cho bé lớn là Zhang, trong khi bé nhỏ hơn được một đôi vợ chồng là giáo viên nhận nuôi sau này.
Zhang, hiện 27 tuổi, đang là lính cứu hỏa. Anh vừa về Giang Tây hồi tháng 1 dự lễ mừng thọ 88 tuổi của cụ Tang. Giống như những đứa trẻ khác được cụ bà cưu mang, Zhang thường xuyên về thăm, gửi một phần lương cho cụ. "Nếu không có cụ, tôi không biết đời mình sẽ ra sao", anh nói.
Bà Tang nhặt rác kiếm tiền mua thức ăn cho đám trẻ bà cưu mang. Ảnh: Weibo
Ngày 16/12, cụ Tang được đề cử giải thưởng Hình mẫu Đạo đức Quốc gia, danh hiệu cao quý về phẩm hạnh được trao cho những công dân bình thường ở Trung Quốc.
"Bà ấy làm việc thiện không phải để được công nhận, mà do cảm thấy đó là những điều nên làm. Đó là lòng tốt theo bản năng", Aiping, con gái cụ, nói.
Câu chuyện về cụ bà làm lay động công chúng Trung Quốc. "Thật cảm động. 'Người bà của Trung Quốc' dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của tình yêu, lòng vị tha đích thực", một người bình luận.
Đức Trung (Theo CNA, Paper, Global Times)