Chuyên mục  


Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng 0,2-0,3% với các kỳ hạn ngắn trong thời gian gần đây, trong bối cảnh huy động tiền gửi dân cư có dấu hiệu chững lại.

Ngân hàng Nhà nước lần thứ hai trong một tháng qua tăng lãi cho vay qua các kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, từ mức 4% vào cuối tháng 4, hiện mức cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 7 ngày lên 4,5%. Những động thái này khiến thị trường đặt câu hỏi về thanh khoản hệ thống hoặc lo ngại về đảo chiều chính sách tiền tệ.

Tại hội thảo dự báo thị trường và chiến lược đầu tư ngày 23/5, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho rằng cho vay qua kênh OMO được tiến hành song song với hút tiền qua kênh tín phiếu. Đây đơn thuần là hoạt động điều tiết thông thường trên thị trường liên ngân hàng.

Còn ở thị trường dân cư, lãi tiết kiệm tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhất nhiều năm. Hiện, mặt bằng chung lãi tiền gửi là 5%. Động thái tăng lãi huy động của các ngân hàng, theo ông Quang, ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Chuyên gia của UOB Việt Nam nhận định, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam chia sẻ tại hội thảo ngày 23/5. Ảnh: UOB

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước. Thực tế, xu hướng của tín dụng là thường tăng rất chậm trong quý I, hồi phục vào quý II hàng năm.

"Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024", ông Quang dự báo.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá vẫn đang chịu sức ép nhưng sẽ dần hạ nhiệt vào cuối năm, theo các chuyên gia của UOB.

Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB, nhận định, lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay nên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn.

Trong bối cảnh đó, USD mạnh lên, dẫn đến suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có tiền đồng. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.

Kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất của Fed giảm dần, theo ông Đinh Đức Quang, cũng khiến tỷ giá duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, UOB dự báo tiền đồng sẽ nhận được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng nhân dân tệ. Theo đó, tỷ giá theo dự báo của nhà băng này có thể lên 25.600 đồng trong quý II, sau đó hạ nhiệt và giảm về vùng 24.600 đồng vào quý I năm sau.

Quỳnh Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020