Chuyên mục  


Giới chức Nga cuối tuần trước thông báo bắn hạ gần 60 máy bay không người lái (UAV) Ukraine trên vùng Krasnodar nằm ở phía tây nam nước này. Đây là nơi Ukraine đang tăng cường tập kích trong thời gian qua vì có nhiều cơ sở năng lượng và quân sự hỗ trợ chiến dịch của lực lượng Nga.

Theo các quan chức địa phương Nga, một nhà máy lọc dầu ở Krasnodar đã bị trúng đòn tập kích, trong khi giới chức an ninh Ukraine cho hay UAV nước này đánh trúng nhà máy lọc dầu và sân bay quân sự trong vùng Krasnodar.

cuoc-chien-sau-tien-tuyen-cua-nga-va-ukraine-1716278983.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f4LIOeSkwnzEajJNX5CLKQ
Cuộc chiến sau tiền tuyến của Nga và Ukraine

UAV Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu Nga tại Tuapse, vùng Krasnodar ngày 17/5. Video: Telegram/Voenacher

Những đợt tập kích vào trung tâm hậu cần và điểm tập kết quân nằm xa chiến tuyến thường xuyên diễn ra trong xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, chiến thuật đó ngày càng trở nên quan trọng với Ukraine khi nước này tìm cách giải tỏa áp lực cho các đơn vị, vốn đang chật vật cản bước tiến của lực lượng Nga, bằng cách làm gián đoạn hoạt động quân sự của đối phương.

Kể từ mùa thu năm ngoái, lực lượng Nga chiếm thế chủ động trên chiến trường và có thể mở nhiều đợt tiến công tại nhiều nơi dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km, với mục đích thăm dò và xuyên thủng phòng tuyến đối phương.

Lực lượng Nga gần đây mở chiến dịch tấn công Kharkov, nhanh chóng kiểm soát nhiều khu dân cư và buộc quân đội Ukraine phải điều động lực lượng từ các điểm nóng khác về đối phó. Các đơn vị Nga đang tìm cách tận dụng đa lợi thế để vượt qua phòng tuyến mỏng manh của Ukraine.

Sau nhiều tháng giao tranh dữ dội, Nga dần kiểm soát thêm nhiều khu vực. Theo chuyên gia Pasi Paroinen thuộc tập đoàn Black Bird của Phần Lan, người chuyên phân tích ảnh vệ tinh và video chiến sự trên thực địa, nhận định diện tích khu vực Nga kiểm soát thêm trong năm nay lớn hơn những gì Ukraine giành được trong cuộc phản công thất bại năm ngoái.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Một phần trong chiến lược Ukraine nhằm ngăn bước tiến của đối phương là tấn công các cơ sở hậu cần trên lãnh thổ Nga, vốn cung cấp nhiên liệu và sản phẩm từ dầu mỏ khác cho xe tăng, chiến hạm và tiêm kích.

Chiến lược này dường như cũng nhằm mục đích làm suy yếu ngành năng lượng Nga, vốn là cốt lõi của nền kinh tế và cung cấp nguồn lực cho chiến dịch quân sự của nước này. Các trận tập kích UAV của Ukraine trong tháng 1-3 "làm giảm 14% công suất lọc dầu của Nga", khiến giá xăng và dầu diesel tại nước này tăng 20-30%, theo thống kê của giới chức Mỹ.

Trong khi đó, Nga gần đây cũng tập trung tấn công các nhà máy điện của Ukraine, gây thiệt hại khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn cho hạ tầng năng lượng nước này. Chính phủ Ukraine ngày 20/5 ra lệnh cắt điện luân phiên trên cả nước, thay vì trên các khu vực cụ thể như trước.

Ukraine từng đối mặt với mùa đông khó khăn khi Nga tấn công hạ tầng năng lượng vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Phòng không Ukraine sau đó đánh chặn hiệu quả hơn tên lửa và UAV Nga, ngăn đối phương gây thiệt hại lớn cho hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, điều này chỉ kéo dài tới đầu năm nay, khi Ukraine cạn dần đạn cho các tổ hợp phòng không.

lo-hong-phong-khong-khien-ukraine-bo-lot-ten-lua-nga-1712906002.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PjdUIeO7CHPVLjyZZ1s8lQ
Lỗ hổng phòng không khiến Ukraine bỏ lọt tên lửa Nga

Nhà máy điện Tripolskaya ở tỉnh Kiev, Ukraine bốc cháy sau trận tập kích ngày 11/4. Video: RusVesna

Các đòn tập kích nhà máy điện của Nga ngày càng gia tăng, làm dấy lên lo ngại việc cắt điện luân phiên sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà cả cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, khi nước này tìm cách tăng sản lượng vũ khí nội địa.

Quan chức Ukraine phụ trách điều phối cung cấp vũ khí và thiết bị khác cho quân đội nhận định "điều này chắc chắn làm chậm quá trình sản xuất và làm tăng chi phí". "Dân thường có thể dễ dàng sinh hoạt khi không có điện, còn sản xuất quốc phòng trong điều kiện có xung đột cực kỳ cần điện", người này nói.

Ukraine đang đề nghị phương Tây viện trợ thêm tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ lưới điện và chống đỡ chiến dịch Kharkov của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện một cách có trách nhiệm để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Nguyễn Tiến (Theo SR, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020