Chuyên mục  


Bao gồm 44 bức tranh, triển lãm I love Yêu (diễn ra từ 22 - 30/6 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội) mở ra những câu chuyện chứa đựng rất nhiều thông điệp - khi tác giả của chúng là 38 trẻ em có cuộc sống khó khăn, trong đó có những em đã và đang mưu sinh trên đường phố.

1. Tại không gian trưng bày, 44 tác phẩm của I love Yêu (chất liệu màu acrylic và vải toan) có rất nhiều màu sắc bắt mắt, đôi khi là sự tương phản giữa những mảng màu. Với khung tranh khổ rộng, người xem thấy vừa tầm mắt và cảm nhận được sức hấp dẫn từ chủ đề và cách thể hiện của mỗi tác giả.

Bởi 44 tác phẩm là 44 câu chuyện của những đứa trẻ có xuất phát điểm "không ai giống ai". Tuổi từ 8 - 15 nhưng đa số các em đều có những quan điểm lớn trước tuổi khi sớm phải sinh sống và kiếm tiền từ xã hội. Song, trên tất cả, các em đều mong muốn được kể câu chuyện của mình, được mọi người lắng nghe.

Tác phẩm “Tình yêu là gì” của Phụng Nhi

Ví như Phụng Nhi khi vẽ tác phẩm Tình yêu là gì? đã chọn những trái tim màu đen điểm trắng trên nền những mảng màu đa sắc. Hoặc Nay mai của nhóm tác giả Linh Vy, Phương Nguyên, Nguyễn Phương Nhi lúc đầu được thể hiện là những ngôi nhà của các em. Nhưng sau đó, do đổi ý, các em dùng tay tẩy hết thành một lớp màu khác, bức tranh lại hiện hữu theo phong cách "trừu tượng", chỉ còn lại 3 mảng màu đang lan sang nhau.

Ở một góc nhìn khác, cách cảm nhận của các em nhỏ trong tác phẩm Việt Nam trong tôi cũng rất thú vị, gần gũi. Đó là những bức vẽ người đang ăn ngô luộc, là con trâu và ngôi nhà, là con cá và hoa sen, là những người phụ nữ đội nón gánh hoa hay những ngôi nhà ở quê với chằng chịt đường dây điện chạy qua…

Một triển lãm tràn ngập tình yêu - và cách thể hiện về tình yêu - như vậy đủ để người xem bị "ngợp". Thực tế, khi hỏi các tác giả: các em muốn nói về điều gì khi vẽ, thì câu trả lời đầu tiên thường sẽ là vẽ trái tim. Đây được xem là sự lựa chọn không hẳn dễ dàng nhất, mà bởi đó chính là ước muốn lớn nhất của các em: được yêu thương.

vietnamtrongtoi-1719443743605410473167.jpg

Tác phẩm “Việt Nam trong tôi 3” của Mai Hương

2. Michael Brosowski - nhà sáng lập Blue Dragon, đơn vị bảo trợ triển lãm - cho biết: Thật khó để nhớ lại hết những gì đã trong 20 năm qua, khi anh và một nhóm tình nguyện viên cố gắng đưa những đứa trẻ khỏi cuộc sống lang thang và trở lại trường học tại Việt Nam.

"Khi đó, tôi gặp nhiều đứa trẻ đánh giày, bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, thu gom phế liệu… Các em làm bất cứ điều gì có thể để tồn tại trên đường phố dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm" - Michael Brosowski nói - "Và tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần nghe người khác nói rằng trẻ em đường phố không đáng để giúp đỡ. Một người bạn còn bảo: Những đứa trẻ đó không muốn được giúp đỡ. Chúng chỉ muốn tiền".

giam-doc-1719443743377248546994.jpg

Michael Brosowski, nhà sáng lập Blue Dragon (trái) và giám đốc điều hành Đỗ Duy Vị - một gương mặt cũng đi lên từ trẻ em đường phố

Dù vậy, anh vẫn tiếp tục hành trình của mình cho đến nay với suy nghĩ: "Mọi trẻ em dù xuất thân thế nào đều xứng đáng có một tuổi thơ đúng nghĩa: được an toàn, được đến trường, vui chơi, được tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương".

Michael Brosowski và các tình nguyện viên bắt đầu dạy tiếng Anh cho các em. Và rồi, các hình thức giúp đỡ dần được mở rộng hơn theo các hoạt động mà Blue Dragon cung cấp: Hỗ trợ các em tiếp tục đi học hoặc trở lại trường học, đoàn tụ với gia đình ở các vùng quê xa, chăm sóc tâm lý, cung cấp chỗ ở an toàn, tiếp cận đào tạo nghề...

khonggiantrienlam3-1719443743450491703911.jpg

Một góc không gian triển lãm “I love Yêu”

3. Đặc biệt, như chia sẻ, bên cạnh quyền được yêu thương, chăm sóc của trẻ, Michael Brosowski và Blue Dragon còn muốn hướng tới những điều xa hơn: Mỗi trẻ em đều có quyền và có khả năng toả sáng trong lĩnh vực mà các em yêu thích, bất kể hoàn cảnh xuất thân hay điều kiện sống.

Vì thế, lớp nghệ thuật là một trong những hoạt động được Blue Dragon mở ra với mục đích giúp các em nuôi dưỡng và phát triển sự tự tin. Xuyên suốt các lớp học, các em có thể thoải mái thể hiện bản thân, khơi gợi sự sáng tạo, và cùng với đó, học thêm về các kỹ năng mềm như làm việc nhóm hay tôn trọng lẫn nhau.

khonggiantrienlam4-1719443743513906191049.jpg

Thực tế, sau những buổi học này, rất nhiều em đã phát ra niềm đam mê cũng như năng khiếu với hội họa và các em cũng mang theo trong mình sự tự tin để khám phá những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Thông qua nghệ thuật, các em không chỉ tìm thấy niềm vui mà còn cả niềm tin vào giá trị của bản thân.

Do vậy, khi được hỏi: Trước những nỗ lực của tổ chức, làm thế nào để xoá bỏ được định kiến: những đứa trẻ đường phố chỉ cần... tiền? Chị Carlota Torres Lliró - một đại diện của Blue Dragon - khẳng định: Triển lãm I love Yêu chính là một ví dụ tuyệt vời cho thấy trẻ em đường phố cũng giống như bao đứa trẻ khác. Các em cũng có những ước mơ, hoài bão, sở thích và đam mê.

"Sự sáng tạo mà trẻ em thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật của mình là bằng chứng cho thấy tất cả trẻ em, bất kể được sinh ra trong hoàn cảnh nào, đều có quyền được hưởng niềm vui, sự mãn nguyện, và xa hơn là khiến ta kinh ngạc về tài năng của mình" - chị Carlota bày tỏ.

Triển lãm khắc họa hành trình chinh phục tri thức của các sĩ tử

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020