Chuyên mục  


base64-1713532588015896217498.jpeg

Ông Alexandre Millon - chủ tịch nhà đấu giá Millon - cho biết hãng này đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Động thái này của Millon được thúc đẩy mạnh mẽ từ sau vụ nhà đấu giá này bán thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam.

Thông tin được ông Alexandre Millon - chủ tịch nhà đấu giá Millon, Pháp - chia sẻ với truyền thông ngày 19-4 tại Hà Nội.

Từ vụ ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Ông Alexandre cho biết sau "thương vụ" ấn vàng Hoàng đế chi bảo, Millon nhận thấy người Việt có khát vọng rất lớn hồi hương các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam đang lưu lạc trên thế giới.

Vụ mua bán ấn vàng Hoàng đế chi bảo gặp vô cùng khó khăn, nhưng Millon đã chứng kiến sự tha thiết lớn của Chính phủ Việt Nam và các cá nhân muốn đưa bảo vật này về nước.

Từ ba người thừa kế ấn vàng ban đầu, sau đó con số đã tăng lên 16 người. Đạt được thỏa thuận về giá với chừng đó người sở hữu không đơn giản.

Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam và đại diện bảo tàng tư nhân Nam Hồng cùng nhà đấu giá Millon đã có ba ngày thương thảo mới đạt được thỏa thuận giữa các bên.

Ấn vàng đã được đưa về Việt Nam vào cuối năm 2023.

Qua thương vụ này, và trước hiện thực 95% các cổ vật, tác phẩm của Việt Nam đấu giá tại các nhà đấu giá quốc tế đều do người Việt mua về, Millon quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để người Việt có thể dễ dàng tham gia trực tiếp các phiên đấu giá mà không cần phải qua Pháp.

Hy vọng thị trường đấu giá nghệ thuật Việt sẽ chuyên nghiệp hơn

Hai đối tác mà Millon hợp tác để mở Millon Việt Nam là Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt và Viet Art View. Hiện nay các thủ tục đang được hoàn tất.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - tổng giám đốc Công ty đấu giá Lạc Việt - cho biết những năm qua công ty "ngụp lặn trong đấu giá nghệ thuật", quá vất vả bởi tính chuyên nghiệp trong đấu giá ở Việt Nam chưa cao, các phiên đấu giá gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, tính văn minh trong đấu giá…

Vì vậy bà kỳ vọng với sự xuất hiện của các nhà đấu giá quốc tế ở Việt Nam thì thị trường đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam sẽ dần chuyên nghiệp hơn.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Alexandre Millon cho biết khi Millon Việt Nam ra đời, các phiên đấu giá nghệ thuật sẽ được tổ chức theo hình thức duplex - kết nối ghép cùng lúc hai đầu Việt Nam và Pháp.

Đương nhiên, các phiên đấu giá tuân thủ luật pháp của cả hai nước.

Để chuẩn bị chào sân thị trường Việt Nam, ngày 20-4, Millon sẽ dành một phiên đấu giá riêng cho các tác phẩm Việt Nam, được tổ chức tại Pháp, kết nối với đầu Việt Nam.

Theo ông Alexandre, nhà đấu giá Millon, Pháp có lịch sử gần 100 năm, từng đấu giá những hiện vật có tuổi đời 5.000 năm.

Nhà đấu giá này xuất bản 3 cuốn catalog mỗi năm.

Bắt đầu đấu giá các hiện vật, tác phẩm của Việt Nam từ 10 năm nay, năm 2021, Millon đã bán đấu giá thành công tác phẩm sơn mài Phong cảnh Phnom Penh Campuchia của họa sĩ Lê Quốc Lộc với giá hơn 1,2 triệu euro.

Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm quý của Phạm Hậu, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… cũng đã được đấu giá thành công ở mức giá cao.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020