Chuyên mục  


"Hoạt động xuất nhập khẩu liên quan Israel đã dừng lại, áp dụng với mọi mặt hàng", Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngày 2/5. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp này cho đến khi chính phủ Israel cho phép dòng chảy hàng viện trợ vào Gaza đầy đủ, không bị gián đoạn".

Ngoại trưởng Israel Israel Katz cùng ngày trước đó cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ vi phạm các thỏa thuận nếu ông cấm các cảng nước này xuất và nhập khẩu hàng Israel.

"Đây là cách một kẻ chuyên quyền hành xử, bất chấp lợi ích của người dân, doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, phớt lờ các thỏa thuận thương mại quốc tế", ông Katz viết trên X.

Ngoại trưởng Katz thêm rằng ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Israel tìm phương án thay thế Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào sản xuất nội địa và nhập khẩu từ nước khác.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara tháng 10/2023. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ký các thỏa thuận tự do thương mại từ những năm 1990. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt là 6,8 tỷ USD, trong đó 76% là xuất khẩu của Ankara, theo viện thống kê Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi đầu tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố áp hạn xuất khẩu 54 mặt hàng với Israel, động thái khiến Tel Aviv tức giận và tuyên bố sẽ đáp trả.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chỉ trích gay gắt nhất cuộc chiến của Israel ở Gaza. Tổng thống Erdogan xem Hamas là "nhóm giải phóng", đồng thời cáo buộc Israel phạm tội "diệt chủng" đối với người Palestine ở Dải Gaza.

Chiến sự Gaza bùng phát sau khi Hamas đột kích lãnh thổ miền nam Israel và giết chết hơn 1.100 người, hầu hết là dân thường, vào ngày 7/10/2023. Israel sau đó mở chiến dịch quân sự đáp trả, khiến gần 34.600 người ở Gaza thiệt mạng tính đến ngày 2/5.

Như Tâm (Theo Reuters, Times of Israel)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020