Chuyên mục  


Vợ chồng người phụ nữ ở Mỹ Đức, Hà Nội luôn tự hào khi có hai đứa con một trai, một gái đẹp lại học giỏi. Chị tin chỉ vài năm nữa, khi các con tốt nghiệp đại học, những lam lũ của mình sẽ được đền đáp xứng đáng.

Nhưng đợt nghỉ hè năm ngoái, cô con gái Thu Trúc báo với mẹ đã mang bầu bốn tháng với một bạn trai cùng lớp. "Tim tôi như ngừng đập vì sốc", chị kể. Người mẹ dúi đầu con gái xuống đất, mắng "thà giết tao đi còn hơn". Chị bỏ ăn, khóc, nhất định không tiếp nhà trai tới thưa chuyện.

Với vợ chồng chị, thông báo đám cưới của con là một cuộc đấu tranh tâm lý. "Tôi khủng hoảng, xấu hổ đến mức không dám mang thiệp đi mời", chị nói.

Ảnh minh họa: SCMP

Ở Nam Định, vợ chồng chị Nguyễn Thị An, 47 tuổi, cũng "ngồi trên đống lửa" vì con gái là sinh viên năm ba có thai. "Mày muốn đi đâu thì đi, đừng về đây mà bôi tro trát chấu vào mặt tao", chị quát lớn với con qua điện thoại.

Người mẹ sốc nặng hơn khi con nói đã chia tay bạn trai. Con bé đã thông báo tin này cho người yêu cũ, nhưng cả hai đều không có ý định quay lại với nhau. "Con cũng đã đến bệnh viện định bỏ rồi lại quay về vì sợ", Bích khóc với mẹ.

Những ngày đó, không khí gia đình chị An u ám như có tang. Nghe hàng xóm kể chuyện bâng quơ về ai đó mang thai ngoài ý muốn chị cũng hoảng hốt, sợ chuyện nhà mình bị lộ ra. Người mẹ ngại không dám ra đường, thức giấc chẳng buồn chải đầu.

Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên dẫn đến mang thai là vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Một khảo sát năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% người vị thành niên đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.

Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính có trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn (từ 15-24 tuổi) đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Lệ Thủy, Trung tâm phát triển kỹ năng thanh thiếu nhi, cho hay nguyên nhân hàng đầu của tình trạng mang thai tuổi vị thành niên là trẻ thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và kỹ năng quản lý cảm xúc.

Làm mẹ khi vẫn còn là trẻ con, các em rất dễ rơi vào sang chấn tâm lý bởi thiếu hụt toàn diện về thể chất, kỹ năng làm mẹ, kinh nghiệm vượt qua khó khăn. Trẻ cũng mặc cảm, tự ti khi bạn bè đến trường, còn mình phải dừng việc học để chăm con. Khi quay lại học tập đã gặp vô vàn khó khăn, đi chậm hơn nhiều so với bạn bè.

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho rằng khi con mang thai ngoài ý muốn, cha mẹ phải hiểu lỗi trước tiên là do mình không dạy con về giới tính, tình dục an toàn hoặc thiếu hụt kỹ năng giáo dục con về việc đó.

Theo ông Phương, khi biết con mình có bầu, rất nhiều người giống như chị Minh Anh hay chị An sẽ dọa nạt, đánh đập, cấm đoán con, thậm chí có người cực đoan đến mức đuổi con ra khỏi nhà. Có người còn đổ lỗi cho thầy cô, nhà trường không dạy học sinh tử tế.

Làm trong lĩnh vực giáo dục giới tính hàng chục năm, bác sĩ Mai Xuân Phương gặp không ít chuyện đau lòng bởi con lỡ có bầu còn bố mẹ khi biết tin lại không biết hành xử sao cho đúng. Có những phụ huynh khi biết sự thật thì gây sức ép, chửi mắng khiến con trầm cảm, phải chui lủi, giấu giếm, phá thai ở những cơ sở không được cấp phép dẫn đến hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.

Theo báo cáo tại hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá khi thai đã to.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cảm thông với cảm xúc của phụ huynh rơi vào tình cảnh này. "Hầu như ai cũng sẽ sốc và có những phản ứng không kiểm soát", bà nói. Trong tình huống này, đứa con và những người xung quanh cần cảm thông, cho họ thời gian để bình tĩnh.

Để cha mẹ đỡ sốc, người trẻ phải biết cách thông báo tin mang thai ngoài ý muốn với họ. Bà Hồng Hương gợi ý 5 bước: Trước hết nói lời xin lỗi để cha mẹ hiểu sắp có chuyện gì đó không vui xảy đến, giúp họ chuẩn bị tinh thần; sau đó tâm sự xin ý kiến; lắng nghe phản ứng của bố mẹ, nếu không được ủng hộ thì không được phản ứng mà để phụ huynh có thêm thời gian bình tĩnh rồi mới thưa lại chuyện lần nữa. Bước cuối là đưa ra quyết định.

Theo bà Hồng Hương, với những trường hợp mang thai ngoài ý muốn mà con và bạn trai muốn gắn bó, lại đủ tuổi pháp luật quy định, cha mẹ nên cho phép kết hôn. Khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ nên đồng hành, hỗ trợ về tài chính, cách chăm sóc trẻ để con dần thích nghi với vai trò người lớn.

Sau hai tuần sốc nặng, chị Minh Anh trấn tĩnh và lại thấy thương con gái bốn tháng liền mang bầu vừa không được chăm sóc, lại sống trong lo lắng. Từ mắng mỏ, chị khăn gói lên thành phố cùng con đến trường xin bảo lưu việc học. Hai bên gia đình quyết định tổ chức đám cưới đơn giản do con rể chị chưa đủ tuổi kết hôn.

Khi hai gia đình ngồi nói chuyện với nhau, chị Minh Anh mới biết không chỉ vợ chồng mình vật vã với tin con gái có bầu, nhà thông gia cũng "dở khóc, dở mếu". "Mới năm ngoái nó còn khuyên tôi đẻ thêm em cho đỡ buồn. Tôi bảo già rồi, không chăm được thì năm nay nó đẻ cháu cho bồng", bà thông gia tâm sự với chị Minh Anh.

Trong trường hợp con có thai nhưng không muốn kết hôn, chuyên gia khuyên cha mẹ vẫn phải là người đồng hành, động viên con, tùy tình huống để quyết định giữ hay dừng thai kỳ.

Chị An ban đầu vì tức giận nên giục con bỏ đứa trẻ để có tương lai tốt hơn. Nhưng khi cùng con đến bệnh viện, bác sĩ nói cái thai đã quá lớn, nguy cơ với sức khỏe rất cao. "Tôi cũng thấy mình có tội nếu làm vậy", chị thừa nhận.

Người mẹ lên thành phố, thuê một căn hộ chăm sóc con, động viên Bích bảo lưu việc học. Ban đầu chị tính sẽ hợp thức hóa để cháu ngoại là con mình trên giấy tờ, còn con gái đi học bình thường. Ai hỏi chị sẽ nói xin thêm con nuôi. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến người thân, chị đưa con gái về quê cùng chăm cháu. Ngọc Bích đã xác định tâm lý sẽ làm mẹ đơn thân nên người mẹ cũng quyết tâm gạt bỏ nỗi xấu hổ. Chị dự định sẽ nuôi cháu ngoại thay con cho đến khi Ngọc Bích có đủ khả năng đi làm.

Cháu chào đời, chị Minh Anh cũng bắt đầu cuộc sống của "bà ngoại bỉm sữa".

Bà trẻ thức đêm pha sữa, thay bỉm, học cách ăn dặm kiểu mới để áp dụng cho cháu. Chị nhiều lần dở khóc, dở cười khi bế cháu đi chơi hay đến bệnh viện, mọi người hay nhầm là mẹ đứa trẻ.

Tên các nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020