Mộ phần của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm, nghi để tìm kiếm cổ vật, vàng bạc - Ảnh: NHẬT LINH
Sáng 6-1, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đã nắm và có báo cáo sự việc lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm mộ phần.
Theo đó, sự việc phát hiện ngày 5-1, khi nhân viên bảo vệ đến kiểm tra khu lăng Trường Thái (phường Long Hồ, TP Huế) như thường nhật, phát hiện mộ phần của lăng chúa có dấu hiệu bị đào bới xuống sâu bên dưới.
Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới, không rõ cụ thể phần mộ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào sâu xuống bao nhiêu mét.
Video lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm, công an đang điều tra
Sau khi phát hiện sự việc, người bảo vệ lăng lập tức báo ngay cho lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để xử lý.
Theo lãnh đạo trung tâm, trung tâm đã có báo cáo ngay sự việc với UBND TP Huế, đồng thời phối hợp với địa phương, công an cử người mật phục quanh khu vực khu lăng mộ để tìm kẻ đào trộm.
Lăng Trường Thái - lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Khoát - Ảnh: NHẬT LINH
Vị lãnh đạo này cũng cho biết đây không phải lần đầu tiên lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại. Trước đó khu lăng mộ này từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vàng bạc, châu báu.
Không chỉ lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát mà nhiều lăng mộ của các chúa Nguyễn, hoàng thân thậm chí là mộ vua nhà Nguyễn cũng từng bị nạn trộm mộ xâm hại để tìm kiếm kho báu, vàng bạc, ngọc ngà…
Tiêu biểu như vụ việc lăng Hoàng thái hậu Từ Dũ bị đào trộm vào những năm 1980, lăng Vĩnh Mậu (mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu) bị đào trộm ngày 22-1-1990…
Lối vào khu lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 4-3-1990 lăng Vĩnh Thái (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội vua Gia Long) cũng bị đào trộm, xâm hại…
Đặc biệt Bồi Lăng của vua Kiến Phúc, An Lăng của vua Dục Đức, lăng Kiên Thái vương và lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu… đều đã bị đào trộm, xâm hại.
Hiện công an TP Huế đang điều tra sự việc.