Những ngày này, gian bếp của những cơ sở sản xuất bánh khô mè Đà Nẵng lại đỏ lửa hoạt động hết công suất - Ảnh: THANH NGUYÊN
Bánh khô mè, hay còn gọi là bánh “bảy lửa”, là đặc sản nổi tiếng của thành phố biển. Với hương vị ngọt thanh, mùi thơm nồng của mè rang và lớp vỏ giòn tan, bánh khô mè mang đậm dấu ấn quê hương, luôn gắn bó với đời sống của người dân qua nhiều thế hệ.
Thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh khô mè. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Theo người dân địa phương, không ai biết bánh khô mè có từ lúc nào, chỉ biết nghề này đã gắn chặt cuộc sống của bà con trong thôn từ hàng trăm năm qua. Đến nay, phương pháp sản xuất bánh thủ công truyền thống vẫn được bà con gìn giữ.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, không khí tại các hộ sản xuất bánh khô mè ở thôn Quang Châu càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Lò bánh của gia đình ông Trần Xử, hoạt động hơn 40 năm qua, những ngày này có khoảng 10 nhân công làm việc hết công suất để hoàn thành các đơn hàng Tết.
Bà Nguyễn Thị Nghĩ (vợ ông Xử), người gìn giữ và phát triển lò bánh của gia đình qua nhiều năm, chia sẻ rằng để có được những chiếc bánh khô mè thơm ngon, người thợ phải qua bảy lần nướng trên lửa để đạt độ giòn hoàn hảo.
Bánh khô mè, hay còn gọi là bánh “bảy lửa” - Ảnh: THANH NGUYÊN
Ngoài ra, muốn làm ra bánh khô mè thơm ngon, chất lượng thì phải sử dụng 100% loại gạo 13/2 (hay còn gọi là xiệc), chỉ có loại gạo này mới làm cho bánh nở xốp.
Nếu trộn lẫn những loại gạo khác sẽ làm chiếc bánh khô mè dễ bị bể, không được giòn. Đặc biệt, đường thắng phải vừa tới và dùng đường cát trắng của Quảng Ngãi, mè Thanh Hóa.
Đối với nhiều người dân, bánh khô mè mang lại một hương vị dân dã, quen thuộc. Vì vậy, mỗi lần thấy bánh khô mè là thấy Tết về. Từ cuối tháng 11 âm lịch, nhiều cơ sở bắt đầu sản xuất bánh phục vụ Tết.
“Bình quân mỗi ngày có thể làm khoảng 150 bịch bánh với 7.000 - 7.500 chiếc bánh cung cấp cho thị trường ”, ông Xử nói.
Với hương vị ngọt thanh, mùi thơm nồng của mè rang và lớp vỏ giòn tan, bánh khô mè mang đậm dấu ấn quê hương - Ảnh: THANH NGUYÊN
Trong khi đó, tại làng nghề bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ” (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) những ngày này cũng nhộn nhịp hơn. Dịp Tết, cơ sở này sản xuất 400.000 - 500.000 sản phẩm, sản lượng tăng hơn 30% so với năm ngoái.
Theo ông Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ”, vào dịp Tết lượng khách đặt hàng tăng cao, nên cơ sở phải làm việc đến 8-9 giờ tối. Hiện cơ sở có hơn 40 lao động làm việc thay ca liên tục ngày đêm để kịp giao hàng phục vụ thị trường Tết 2025.
Hiện bánh khô mè loại nhỏ có giá 50.000 - 70.000 đồng/hộp (50 chiếc bánh), thường được mọi người mua về thờ cúng, chưng trên bàn thờ ngày Tết.
Dù các cơ sở làm bánh khô mè ở xứ Quảng Đà ngày càng thưa dần do ít người trẻ theo nghề. Nhiều hộ gia đình tại đây vẫn kiên trì vượt qua bao thăng trầm của thời gian, lưu giữ hương vị ngọt thơm đặc trưng của thứ bánh đặc sản truyền thống.
Mè phải rang vừa phải, không cháy quá, cũng không được sống - Ảnh: THANH NGUYÊN
Lò bánh của gia đình ông Trần Xử, hoạt động hơn 40 năm qua, phương pháp sản xuất bánh thủ công truyền thống vẫn được bà con gìn giữ - Ảnh: THANH NGUYÊN
Làng nghề bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ” (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), những ngày này cũng nhộn nhịp hơn. Dịp Tết, cơ sở này sản xuất 400.000 đến 500.000 sản phẩm - Ảnh: THANH NGUYÊN