Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sovico - Ảnh: VGP
Nợ lớn, Sovico Group từng nói "không vay ngân hàng"
Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico (Sovico Group) - doanh nghiệp kinh doanh đa ngành do tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch - có hoạt động trải dài từ tài chính ngân hàng, hàng không, chuyển đổi số, năng lượng đến phát triển đô thị, nghỉ dưỡng...
Theo báo cáo của Sovico, trong nửa đầu năm 2024 tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.799 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế theo báo cáo của Sovico đạt 1.406 tỉ đồng, giảm 66% so với năm 2022.
Đóng góp vào tăng trưởng của Sovico Group năm ngoái có phần quan trọng từ Công ty cổ phần Sovico (Sovico Holdings). 6 tháng đầu năm 2024, Sovico Holdings báo lãi sau thuế 654 tỉ đồng, tăng 31% cùng kỳ.
Đáng chú ý, tập đoàn của bà Thảo đã ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng mạnh gần 38% sau một năm, từ mức hơn 50.789 tỉ đồng lên 70.049 tỉ đồng tại thời điểm 30-6-2024.
11247 |
49235 |
50789 |
70049 |
Dữ liệu: Báo cáo tài chính cơ bản của Sovico Group
Việc tăng vốn chủ sở hữu sẽ giảm áp lực với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Sovico Group đã giảm từ 2,15 lần còn 1,69 lần, nhưng thực chất quy đổi ra giá trị tuyệt đối lại từ mức hơn 109.000 tỉ đồng lên hơn 118.300 tỉ đồng.
Theo khẳng định từ Sovico Group trong một thông báo về kết quả kinh doanh năm 2023, tập đoàn này "không vay ngân hàng", các khoản phải trả khác chủ yếu bao gồm nợ các cổ đông và trả đối tác được đối ứng với các khoản phải thu.
Báo cáo của Sovico Group cũng cho biết tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 đạt 187.408 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền (bao gồm các giấy tờ có giá sẵn sàng để bán) cuối năm 2023 là 4.814 tỉ đồng.
Trước đó, sự gia tăng về quy mô tài sản của doanh nghiệp tỉ phú Thảo được ghi nhận từ cuối năm 2022 khi hợp nhất các hoạt động kinh doanh, tài chính, bảo hiểm, hàng không, phát triển đô thị vốn do Sovico Holdings nắm giữ từ nhiều năm nay.
Nhiều đơn vị trong hệ sinh thái Sovico tăng nợ trái phiếu
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet vừa phát hành thành công lô trái phiếu mã VJCH2429007 có giá trị 2.000 tỉ đồng vào ngày cuối cùng của năm 2024, lãi suất 11%/năm. Với kỳ hạn 60 tháng, lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào cuối năm 2029.
Báo cáo một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong 3 năm liền kề trước năm phát hành đợt trái phiếu của Vietjet Air cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận đã có 20.300 tỉ đồng nợ vay từ phát hành trái phiếu (chưa bao gồm dư nợ trái phiếu phát hành nửa sau năm 2024). Con số này đã tăng đáng kể so với mức hơn 8.373 tỉ đồng của năm 2021. Ngoài trái phiếu, Vietjet Air có vay ngân hàng cùng các khoản nợ phải trả khác.
Do vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của hãng hàng không giá rẻ này cũng tăng dần từ mức 1,26 lần (năm 2021) lên 3,07 lần bán niên 2024.
HDBank cùng Công ty cổ phần mua bán nợ và quản lý tài sản HDBank hay Sovico Holdings... cũng là những cái tên quen thuộc trên thị trường trái phiếu.
Theo số liệu tổng hợp của MBS, trong số các ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất trong năm 2024 có HDBank với hơn 30.900 tỉ đồng, lãi suất 4,8% - 7,47%.
Còn thông tin từ HNX, Công ty cổ phần mua bán nợ và quản lý tài sản HDBank vừa phát hành thành công lô trái phiếu 2.000 tỉ đồng vào ngày 31-12-2024, lãi suất 11%. Trước đó, tại báo cáo bán niên 2024 của doanh nghiệp này cũng cho thấy dư nợ trái phiếu gần 1.700 tỉ đồng.
Tại Sovico Holdings, báo cáo bán niên 2024 cho biết vốn chủ sở hữu của công ty này ở thời điểm 30-6-2024 là 10.733 tỉ đồng, dư nợ/vốn chủ sở hữu là 0,74 lần. Sovico cũng là cổ đông sáng lập của Hãng hàng không Vietjet Air.