Chuyên mục  


afp2024052734u33llv1highresbelgiumeupoliticsdiplomacy-171928937031448246212.jpg

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, ngày 24-6 (giờ địa phương), chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc trao cho Ukraine 1,4 tỉ USD từ lợi nhuận của tài sản Nga bị đóng băng để viện trợ Ukraine.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết khối này sẽ lập tức có 1,4 tỉ euro trên trong tháng 7 tới. 1 tỉ euro khác sẽ được sắp xếp trong năm 2024.

Số tiền tài trợ trên sẽ được dùng để giúp Kiev tăng cường năng lực phòng không, mua đạn dược và hỗ trợ nền công nghiệp trong nước.

Trên thực tế, quyết định dùng tài sản Nga đóng băng để hỗ trợ Ukraine đã được EU thông qua từ hồi tháng 5.

Tuy nhiên, Hungary - quốc gia EU hiếm hoi còn duy trì quan hệ tốt với Nga - đã dùng quyền phủ quyết để trì hoãn việc thông qua những quyết định cần thiết nhằm đưa quyết định trên vào thực tiễn.

Điều này phản ánh quan điểm phản đối việc viện trợ Ukraine của Budapest trong tháng qua. Thành viên EU này cho rằng chính các khoản viện trợ đang đẩy cuộc xung đột lên mức căng thẳng hơn và khiến cuộc chiến kéo dài hơn.

Theo quy định EU, các quyết định về chính sách ngoại giao khối cần được toàn bộ nước thành viên chấp thuận thì mới có thể thông qua.

Bước đột phá đến trong Hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên tại Luxembourg ngày 24-6. Các quan chức cấp cao khối này đã tìm ra một lỗ hổng pháp lý để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Budapest.

Cụ thể, Hungary đã không tham gia biểu quyết việc thành lập Quỹ hỗ trợ Ukraine - cơ chế được EU thành lập nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ Ukraine. Do đó, EU cho rằng Budapest cũng không có quyền can thiệp vào việc triển khai quỹ này.

Phát biểu tại hội nghị trên, ông Borrell tuyên bố: "Chúng tôi cho rằng vì Hungary không tham gia vào quyết định thành lập quỹ nên họ cũng không được tham gia vào quá trình triển khai. Quyết định đã rõ ràng: Doanh thu từ các tài sản Nga bị đóng băng sẽ được dùng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Chúng ta cần dùng số tiền trên và đã có quy trình pháp lý để tiến hành. Chúng tôi không phải lo việc bị một nước thành viên không tham gia vào quyết định (thành lập quỹ) ngăn chặn quỹ".

Lằn ranh đỏ đã bị vượt qua

afp2024061734x733mv1highreshungaryisraelpoliticsdiplomacy-17192899692161579794600.jpg

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto - Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters ghi nhận hầu hết ngoại trưởng các nước EU đều bày tỏ việc ủng hộ quyết định trên trong phiên họp. Riêng Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tỏ ra khá kín tiếng.

Tuy nhiên, ông Szijjarto lại hoạt động rất năng nổ trên Facebook: "Rõ ràng đây là lằn ranh đỏ. Chưa từng có tiền lệ về một sự vi phạm quy định chung châu Âu đáng hổ thẹn như vậy.

Rõ ràng, các đồng nghiệp của chúng tôi tại Brussels, đội ngũ pháp lý của chúng tôi tại EU đang xem xét khả năng theo đuổi động thái pháp lý để đòi lại công lý cho Hungary".

Hungary sẽ thay Bỉ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu từ ngày 1-7 sắp tới.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020