Chuyên mục  


Khi Donald Trump hôm 27/6 rời sân khấu sau cuộc tranh luận đầu tiên với Tổng thống Joe Biden trong mùa bầu cử năm nay, các trợ lý của ông không ngừng vỗ tay, reo hò, bày tỏ vui mừng về màn thể hiện của cựu tổng thống trong 90 phút tranh luận.

"Tổng thống Trump rời sân khấu trong thế thắng", James Blair, giám đốc chính trị chiến dịch tranh cử của Trump, tuyên bố. Chris LaCivita, cố vấn cấp cao của ông Trump, thì gọi đây là "chiến thắng áp đảo nhất trong lịch sử tranh luận tổng thống".

Theo cuộc thăm dò dư luận của YouGov sau cuộc tranh luận, 80% cử tri Cộng hòa tin rằng Trump là ứng viên có cơ hội chiến thắng cao nhất của đảng trong cuộc bầu cử tổng thống. Tỷ lệ này của cử tri đảng Dân chủ dành cho Tổng thống Biden là 53%.

Bất chấp những lời chỉ trích hay các vụ truy tố, Trump luôn có cơ sở ủng hộ khó lay chuyển. Những người trung thành nhất thậm chí không ngần ngại đứng lên đấu tranh cho ông mỗi khi được kêu gọi. Cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021 cho thấy nhóm ủng hộ ông Trump có thể cuồng nhiệt tới mức nào.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy tình hình chính trị ở Mỹ hiện tại khá lắng dịu. Dù ông Trump đang đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý và thậm chí đã bị tuyên có tội, nhóm ủng hộ ông Trump không có những hành động kích động hay mang tính bạo lực nghiêm trọng, dường như xuất phát từ niềm tin rằng ông sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, theo các nhà phân tích.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 2 của New York Times/Siena chỉ ra 81% người ủng hộ Trump tin rằng ông sẽ đắc cử năm nay.

Hannah Allam, nhà phân tích của Washington Post, cho hay có rất ít động lực để các nhóm ủng hộ Trump hoặc người hâm mộ phong trào MAGA biểu tình, khi họ tin chắc ứng viên đảng Cộng hòa sẽ chiến thắng. Bản thân ông Trump cũng góp phần làm tăng cảm giác chắc chắn đó bằng cách nhấn mạnh khả năng duy nhất khiến ông thất cử là do "phe đối lập gian lận".

Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu giữa những người ủng hộ tại Las Vegas, bang Nevada ngày 9/6. Ảnh: AFP

Kết quả thăm dò trên toàn nước Mỹ cho thấy ông Trump và Tổng thống Biden đang cạnh tranh sít sao trên đường đua vào Nhà Trắng. Ông Trump có xu hướng dẫn trước một chút ở một số bang chiến trường quan trọng mà ông Biden từng thắng 4 năm trước, nhưng hai người gần như ngang nhau về tỷ lệ ủng hộ trong số những cử tri đã đăng ký bỏ phiếu trên toàn quốc.

Song trong mắt những người ủng hộ Trump, ông gần như chắc chắn thắng nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra công bằng. Ông Trump cũng nêu quan điểm này trong cuộc tranh luận với ông Biden.

Khi người dẫn chương trình Dana Bash hỏi Trump rằng ông có chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2024 bất kể ai là người chiến thắng hay không, cựu tổng thống đã tìm cách không trả lời trực diện.

"Nếu đó là cuộc bầu cử công bằng, hợp pháp và tốt đẹp, chắc chắn tôi sẽ chấp nhận", ông nói, sau đó tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng các cuộc bầu cử ở Mỹ "đầy rẫy gian lận".

"Tôi rất muốn chấp nhận kết quả bầu cử, nhưng tình trạng gian lận và những thứ tương tự thế thật lố bịch", ông tuyên bố.

Các chuyên gia cảnh báo niềm tin của nhóm ủng hộ và những tuyên bố của Trump tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi nếu ông Trump thua, nỗi thất vọng có thể tạo ra giai đoạn bùng nổ hậu bầu cử.

"Họ cho rằng Trump sẽ thắng và điều khiến họ phấn khích là 'đó sẽ là lúc trả thù'", Mary McCord, cựu công tố viên liên bang và hiện là người đứng đầu Viện Bảo vệ và Vận động Hiến pháp, trung tâm luật tập trung vào các mối đe dọa đối với an ninh và nền dân chủ Mỹ, nói. "Tuy nhiên, nếu ông Trump thua, mọi thứ sẽ giống như năm 2020. Họ sẽ cho rằng mình bị gian lận và đánh cắp chiến thắng. Câu chuyện đó cực kỳ nguy hiểm".

Đối với nhiều người ủng hộ cuồng nhiệt, ông Trump được xem là vị cứu tinh, người đại diện cho hy vọng duy nhất của họ để giải cứu đất nước khỏi "phe cánh tả cực đoan". Nếu ông thất bại vào tháng 11, những người ủng hộ có thể coi cựu tổng thống là "người tử vì đạo", điều sẽ thôi thúc họ có những hành động "trả thù".

Những cuộc trò chuyện trực tuyến về chủ đề "nội chiến" đã tăng vọt khi ông Trump đối mặt với các rắc rối pháp lý, từ việc FBI khám dinh thự của ông ở Florida năm 2022 đến phán quyết có tội tháng trước của bồi thẩm đoàn New York.

Viện Đối thoại Chiến lược, tổ chức theo dõi chủ nghĩa cực đoan, ghi nhận 9.300 bài đăng trực tuyến kêu gọi bạo lực, thậm chí là lật đổ chính phủ, trong vòng một ngày sau khi ông Trump bị bồi thẩm đoàn New York tuyên có tội. Con số này gần bằng mức sau khi FBI khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida.

Những người ủng hộ ông Trump giơ tấm biển có dòng chữ "sa thải Biden" tại sự kiện ở bang Michigan ngày 17/2. Ảnh: AP

"Dù khả năng kích động công chúng vào thời điểm này không cao, các thuyết âm mưu xoay quanh rắc rối pháp lý của Trump có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho những hành vi bạo lực cá nhân", báo cáo của Viện Đối thoại Chiến lược kết luận.

Joe Oltmann, người dẫn chương trình podcast ở Colorado có lượng người theo dõi lớn thuộc phong trào MAGA, đã nhiều lần gợi ý sử dụng bạo lực như cách để đối phó với đảng Dân chủ và các đối thủ chính trị khác.

Các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan cho biết xu hướng phủ nhận bầu cử là vấn đề đáng lo ngại, sau khi ý tưởng được thúc đẩy bởi thuyết âm mưu rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã gian lận và khiến ông Trump tuột mất chiến thắng. Điều đó khiến những người ủng hộ cựu tổng thống có thể chuẩn bị cho một "cuộc chiến" tương tự trong năm nay.

"Họ liên tục khuếch đại, liên tục nói chuyện công khai trên các video, diễn đàn hoặc bất kỳ điều gì họ có thể làm. Họ đang khiến ngày càng nhiều người trở nên cực đoan", Goldwasser nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020