Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết ít nhất 45 người chết và 249 người bị thương sau khi "Trại Hòa bình Kuwait 1" ở Tal al-Sultan, ngoại ô thành phố Rafah ở miền nam Dải Gaza trúng đòn không kích đêm 26/5 của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Sự việc làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, nhắm vào Israel.
Trước phản ứng dữ dội của dư luận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 28/5 thừa nhận vụ không kích là "sai lầm bi thảm" và cho biết nước này đang điều tra nguyên nhân gây ra thương vong lớn về dân thường.
IDF nhấn mạnh mục tiêu mà lực lượng này nhắm tới khi đó là hai quan chức cấp cao của nhóm vũ trang Hamas, thêm rằng khi vụ tấn công xảy ra, những người này ở trong tòa nhà cách vùng nhân đạo do Israel chỉ định khoảng 1,7 km. Trước khi ném bom, tình báo quân đội Israel nhận định đòn đánh sẽ không gây thiệt hại cho dân thường xung quanh.
Hiện trường vụ tập kích của Israel tại trại tị nạn ở Rafah đêm 26/5. Ảnh: Al Jazeera
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự chỉ ra rằng IDF đã không tính đến thực tế nhiều người tị nạn sinh sống phân tán trong khu vực, trong khi Israel không phát bất cứ lệnh sơ tán nào trước khi thực hiện vụ tập kích. Bởi vậy, nhiều người dân tại khu trại bị cháy không nghĩ mình sẽ bị tổn hại, dù nơi nơi họ sống không nằm trong vùng nhân đạo được chỉ định, theo AP.
Israel chưa đề cập vị trí của khu trại bị cháy so với địa điểm mà lực lượng này không kích, nhưng đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy có một số lều trại của dân thường ở cách nơi bị ném bom khoảng 180 mét.
Tel Aviv nhấn mạnh không có căn lều nào "ở ngay sát" mục tiêu vào thời điểm vụ không kích xảy ra, song "do những tình huống không lường trước được, hỏa hoạn đã bùng phát và cướp đi sinh mạng của dân thường Gaza gần đó".
Khoảnh khắc Israel ném bom vào địa điểm được cho là có hai quan chức Hamas đêm 26/5. Video: IDF
Trong video do IDF công bố, dường như có có một số người đi bộ bên cạnh khu nhà mà quân đội Israel nhắm tới trước khi vụ nổ xảy ra, cùng một số căn lều gần đó.
Israel chưa tiết lộ cụ thể vũ khí mà nước này sử dụng, song phát ngôn viên IDF Daniel Hagari cho biết họ đã dùng loại bom nhỏ nhất mà chiến đấu cơ Israel có thể mang, mỗi quả có chứa 17 kg thuốc nổ.
Ông Hagari nhấn mạnh các quả đạn với kích cỡ này không thể gây ra vụ cháy lớn như vậy, thêm rằng Israel đang điều tra khả năng cuộc không kích đã vô tình nhắm trúng kho vũ khí đặt gần mục tiêu, tạo ra vụ nổ thứ cấp khiến khu lều trại bị cháy.
Nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là nguyên nhân gây ra "sai lầm bi thảm" của Israel, bởi những quả bom thả từ chiến đấu cơ, dù là loại nhỏ nhất, vẫn có thể gây thương vong lớn cho dân thường ở gần, vì chúng có thể tạo ra vô số mảnh văng ở khoảng cách xa sau khi phát nổ.
Hình ảnh đăng trên mạng xã hội và được AP kiểm chứng cho thấy trên các mảnh bom có ghi mã CAGE, chuỗi 5 ký tự được sử dụng để nhận dạng các nhà cung cấp vũ khí cho chính phủ Mỹ.
Dựa trên thông tin này và các bức ảnh vệ tinh về cảnh đổ nát tại hiện trường, giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng không quân Israel đã thả bom đường kính nhỏ GBU-39 nặng 110 kg do Mỹ sản xuất vào khu trại tị nạn ở Rafah.
Chuỗi ký tự trên mảnh vỡ của quả đạn dùng trong vụ không kích trại tị nạn ở Rafah đêm 26/5. Ảnh: Telegram/hamz0381
Dù có kích thước nhỏ hơn hơn phần lớn các vũ khí mà Washington viện trợ cho Tel Aviv, loại bom này vẫn có thể gây sát thương trên diện rộng, do nó được thiết kế để bắn ra các mảnh vỡ bay xa tối đa 2 km sau khi phát nổ.
"Họ mang theo hai quả bom mà mảnh vỡ có thể gây sát thương trong phạm vi 600 mét ở khu vực đông dân cư. Nếu họ muốn hạn chế thiệt hại với dân thường thì đây là điều không hợp lý", Trevor Ball, cựu chuyên gia rà phá bom mìn của lục quân Mỹ, nhận định.
Theo Ball và Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), việc Israel chỉ đề cập đến lượng thuốc nổ nặng 17 kg bên trong quả đạn thay vì tổng trọng lượng 110 kg của nó là điều "bất thường".
Dựa vào hình ảnh hiện trường, họ nhận định rằng các quả bom dường như đã được thiết kế để phát nổ trước khi xảy ra va chạm, nhằm đảm bảo mục tiêu sẽ bị tiêu diệt, song chiến thuật này có nguy cơ gây ra thiệt hại ngoài dự kiến rất lớn với dân thường.
Ball cho biết bom GBU-39 có nhiều cơ chế kích hoạt. Ngòi nổ của bom GBU-39 có thể được điều chỉnh để nó phát nổ khi va chạm, điều sẽ tạo ra hố bom ở hiện trường, hoặc kích hoạt sau đó một lúc nếu mục đích là xuyên sâu để phá lô cốt, hầm ngầm.
Quả bom cũng có thể lắp ngòi nổ để kích hoạt trên không, ngay trước khi va chạm, nhằm đánh trúng nhiều mục tiêu cùng lúc. Điều này giúp tối đa hóa khả năng gây sát thương trong một vùng, song có thể gây ra các vụ nổ thứ cấp nếu có chất dễ cháy gần đó, theo chuyên gia Ball.
Bom GBU-39. Ảnh: Không quân Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 29/5 cho biết Washington đang đợi kết quả điều tra để xác định loại vũ khí nào đã được Israel dùng trong vụ không kích, cũng như cách nó được sử dụng.
Trong trường hợp thông tin Israel thả bom đường kính nhỏ được xác nhận, "mọi người có thể thấy rằng ngay cả các cuộc tấn công có chủ đích, có trọng tâm và trên quy mô hạn chế nhằm vào các tay súng đã sát hại nhiều dân thường vô tội cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp và không lường trước được", ông Blinken nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định quân đội Israel có nhiều lựa chọn khác để sử dụng thay vì bom GBU-39 khi nhắm vào mục tiêu ở khu vực có dân thường sinh sống gần đó. Theo Cancian, IDF từng nhiều lần sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để khai hỏa các loại vũ khí nhỏ và chính xác hơn, gây ra ít thiệt hại ngoài dự kiến.
Chuyên gia này cho rằng quân đội Israel đáng lẽ nên dùng tên lửa Mini-Spike, loại đạn chống bộ binh có kích thước nhỏ hơn, nếu chỉ muốn nhắm vào các lãnh đạo Hamas.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 29/5 cũng nhận định rằng Israel cần phải "nhắm mục tiêu một cách chính xác và cân nhắc hơn", dựa trên các thông tin mà Tel Aviv đã công bố.
Vị trÍ Tal al-Sultan. Đồ họa: BBC
Phạm Giang (Theo AP)