Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa), Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và nữ Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder đứng gần chiếc tiêm kích F-16 khi họ thăm căn cứ không quân Melsbroek gần Brussels (Bỉ) vào ngày 28-5 - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta nên cho phép họ (Ukraine) vô hiệu hóa những địa điểm quân sự nơi tên lửa (của Nga) được phóng đi để tấn công Ukraine.
Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác của Nga" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Meseberg (Đức) vào hôm 28-5, đồng thời lưu ý "chúng tôi ủng hộ Ukraine và chúng tôi không muốn leo thang".
Ukraine muốn được "cởi trói"
Bình luận của ông Macron được đưa ra sau các thông điệp kêu gọi tương tự trong những ngày gần đây của tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và các bộ trưởng ở Ba Lan, Lithuania, Latvia và Thụy Điển.
Thủ tướng Scholz cho biết ông nhất trí với ông Macron, và theo ông, miễn là Ukraine tôn trọng các điều kiện do những nước cung cấp vũ khí (gồm cả Mỹ) đặt ra cũng như luật pháp quốc tế, Ukraine được phép tự vệ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky luôn muốn dùng vũ khí do đối tác nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu ở vùng lãnh thổ của Ukraine hiện bị Nga chiếm đóng nhưng không được các nước phương Tây đồng ý.
Do đó Ukraine phải dùng vũ khí (trong đó có drone) sản xuất trong nước. Những tuần gần đây, nhất là sau khi Nga mở chiến dịch tấn công ở Kharkov, giới chức Ukraine gia tăng áp lực lên các đối tác, kêu gọi họ cho phép Kiev dùng vũ khí phương Tây để trả đũa.
"Chúng tôi thấy được mọi điểm tập kết của quân Nga. Chúng tôi biết tất cả khu vực mà tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga được phóng đi", ông Zelensky nói hôm 26-5.
Những thông điệp kêu gọi cho phép Ukraine mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí phương Tây chủ yếu nhắm đến Mỹ, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Washington đã nhiều lần yêu cầu Ukraine không dùng vũ khí do Mỹ sản xuất tấn công vào lãnh thổ Nga vì sợ leo thang xung đột.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo The Economist, ông Jens Stoltenberg cũng nói các thành viên NATO nên để Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.
Hôm 27-5, Hội đồng Nghị viện NATO cũng thông qua tuyên bố ủng hộ các thành viên NATO dỡ bỏ lệnh cấm. Quan điểm này được một số thành viên NATO ở châu Âu ủng hộ nhưng một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Ý Giorgia Meloni lại phản đối.
Còn chia rẽ quan điểm
Thời gian qua, các nhà lãnh đạo phương Tây chia rẽ quan điểm về việc có nên dỡ bỏ việc không cho Ukraine dùng vũ khí do phương Tây cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Các quan chức Mỹ và Đức đã nhiều lần nói họ không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công như vậy của Ukraine. Hôm 28-5, báo Bild (Đức) dẫn các nguồn tin cho biết Berlin và Washington đã dọa ngưng chuyển tên lửa phòng không cho Kiev sau khi Ukraine "ít nhất một lần" sử dụng tên lửa đất đối không Patriot tấn công vào lãnh thổ Nga đang chiếm đóng.
Tuy nhiên, các đồng minh của Ukraine dường như đang thay đổi quan điểm sau khi có những lập luận cho rằng lệnh cấm của Mỹ đồng nghĩa Ukraine đã không thể tấn công quân Nga, trong lúc Nga củng cố lực lượng trước khi vượt biên giới vào tỉnh Kharkov trong tháng 5, theo báo Kyiv Independent. Đây cũng là vùng mà Nga đã tấn công dồn dập trong những ngày qua.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics cho rằng những thắng lợi gần đây của Nga ở vùng đông bắc Ukraine là "hậu quả của việc chúng ta không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine" và những biện pháp hạn chế trong việc "sử dụng các vũ khí đó để tấn công những mục tiêu quân sự ở Nga".
Hiện nay việc có thể dùng vũ khí phương Tây để trả đũa trở thành vấn đề cấp bách hơn với Ukraine khi Nga tăng cường lực lượng ở biên giới, có thể để chuẩn bị cho một đợt tấn công khác sau Kharkov.
Giới chức Ukraine nói Nga đã tập trung khoảng 10.000 quân gần vùng Sumy ở đông bắc Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ và rằng Ukraine coi như "bị trói tay" nếu không được phép tấn công qua biên giới, theo báo New York Times.
"Tại sao chúng tôi không thể sử dụng vũ khí để tiêu diệt họ (quân Nga) tại nơi họ tập kết để tấn công chúng tôi? Việc tấn công như vậy cũng sẽ có lợi (cho Ukraine) vì quân Nga biết rằng nếu họ tập trung tại một điểm cụ thể, chúng tôi sẽ tấn công họ", ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Nga cảnh báo "chớ đùa với lửa"
Hôm 28-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng các nước thành viên NATO ở châu Âu đang đùa với lửa khi đề xuất cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - điều mà ông cho rằng có thể dẫn tới xung đột toàn cầu, theo Hãng tin Reuters.
Ông Putin nói các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào Nga bằng vũ khí tầm xa sẽ cần sự hỗ trợ từ vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, do đó phương Tây sẽ trực tiếp can dự.
Đề cập tới các thành viên NATO ở châu Âu, ông Putin nói những nước nhỏ tại đây - những nước có diện tích đất nhỏ và dân số đông đúc - "nên nhận thức được họ đang đùa với cái gì".