Chuyên mục  


Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang coi chiến dịch tấn công của Israel vào lực lượng Hezbollah như một cơ hội để chấm dứt ảnh hưởng sâu rộng của nhóm này trên chính trường Lebanon, các quan chức Mỹ và Arab am hiểu vấn đề cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây điện đàm với các lãnh đạo Qatar, Ai Cập và Arab Saudi, thuyết phục họ ủng hộ một cuộc bầu cử tổng thống mới tại Lebanon. Các phe phái chính trị ở Lebanon, trong đó có Hezbollah, đã không thể đạt thỏa thuận để bầu tổng thống mới sau khi lãnh đạo Michel Aoun hết nhiệm kỳ năm 2022.

Người dân rước ảnh thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trên đường phố Sidon, Lebanon, ngày 28/9, sau khi ông thiệt mạng vì đòn không kích của Israel . Ảnh: AP

Quan chức cấp cao Nhà Trắng Amos Hochstein cũng đã chuyển thông điệp tới giới chức Arab rằng việc Hezbollah bị suy yếu do các cuộc tấn công từ Israel nên được coi là cơ hội để phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Lebanon.

Mục tiêu Mỹ hướng tới là giải quyết nỗi thất vọng suốt nhiều năm về một chính phủ Lebanon hoạt động kém hiệu quả đã ngăn cản nỗ lực cải tổ, đồng thời củng cố quyền lực cho giới tinh hoa chính trị, trong đó có Hezbollah, một đảng phái có ảnh hưởng sâu rộng của đất nước.

"Điều chúng tôi muốn nhìn thấy là Lebanon có thể phá vỡ thế kìm kẹp mà Hezbollah đã áp đặt lên họ, xóa bỏ quyền phủ quyết của Hezbollah khi bầu tổng thống mới", phát ngôn viên Bộ Ngoại gia Mỹ Matt Miller trả lời báo giới tuần qua.

Nỗ lực này đánh dấu bước thay đổi đáng chú ý so với lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của chính quyền Biden cách đây vài tuần. Tuy nhiên, giới quan sát khu vực lo ngại việc gây sức ép tổ chức bầu cử tổng thống mới ở Lebanon có thể tiềm ẩn nguy cơ kích động một cuộc đấu đá chính trị mới, vốn đã xé nát Lebanon trong vài thập kỷ gần đây.

Mỹ suốt nhiều năm đã hậu thuẫn nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống chính phủ Lebanon song không thể tạo ra thay đổi mang tính quyết định. Xã hội Lebanon vẫn bị chia rẽ nghiêm trọng về giáo phái và chính trị, tình trạng ăn sâu từ thời kỳ Pháp chiếm đóng sau Thế chiến I. Các nhóm tinh hoa từ những cộng đồng chính như người Hồi giáo dòng Sunni, Shiite, Thiên chúa giáo và người Druze, chia nhau quản lý các ban ngành chính phủ.

Sáng kiến của Mỹ nhằm tước quyền lực chính trị khỏi tay Hezbollah đã nhận được ủng hộ từ Arab Saudi, một số quan chức nước này cho hay. Riyadh lâu nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tiến trình chính trị và kinh tế Lebanon.

Nhưng kế hoạch của Washington vẫn phụ thuộc đáng kể vào các lãnh đạo Lebanon, trong đó có Thủ tướng Najib Mikatian và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, người dẫn dắt một phe phái Shiite khác và là cầu nối với Hezbollah trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Họ là những tiếng nói không thể thiếu giúp tập hợp các đảng phái chính trị Lebanon lại với nhau để có thể bầu ra tổng thống mới, theo một số nhà ngoại giao am hiểu vấn đề.

Tổng thống Lebanon nắm vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và được coi là chìa khóa giúp thiết lập một chính phủ Lebanon đầy đủ thẩm quyền, có thể xử lý hiệu quả và chủ động hơn cuộc khủng hoảng hiện tại của đất nước, giới chuyên gia nhận định.

Mikati và Berri tuần trước cho biết họ ủng hộ bầu tổng thống mới, nhưng cũng đánh giá cao vai trò của Hezbollah trong xung đột với Israel. Thủ lĩnh Hezbollah hiện tại, Phó tổng thư ký Naim Qassem, đã bác bỏ lời kêu gọi sắp xếp lại hệ thống chính trị Lebanon khi cuộc đối đầu với Israel chưa ngã ngũ.

Tổng thống Lebanon được bầu bởi quốc hội gồm 128 thành viên, nơi hiện tại không có khối nào nắm đủ số ghế để tự mình lựa chọn lãnh đạo mới. Nếu Hezbollah và các đồng minh không ủng hộ, việc đạt được đồng thuận về tân tổng thống gần như là điều bất khả thi.

Các quan chức Ai Cập và Qatar, những người đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở cả Gaza và Lebanon, đã chia sẻ quan điểm với phía Mỹ rằng kế hoạch họ hướng tới là không thực tế, thậm chí nguy hiểm, bởi Israel sẽ không thể xóa sổ Hezbollah và nhóm này phải là một phần của bất kỳ giải pháp chính trị nào cho cuộc xung đột.

Ai Cập cũng bày tỏ lo ngại việc cố gắng can thiệp vào chính trị Lebanon giữa khủng hoảng có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột nội bộ. Nhiều phe phái chính trị của Lebanon hiện do các cựu lãnh chúa trong cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1990 dẫn dắt.

Các nhà phân tích chính trị và ngoại giao đánh giá bất kỳ ai lên nắm quyền ở Lebanon sau các cuộc tấn công của Israel đều có thể phải đối mặt với làn sóng phản đối từ công chúng và những thế lực chính trị đối địch.

Khi Israel tấn công Lebanon năm 1982 trong chiến dịch chống lại Tổ chức Giải phóng Palestine, họ đã ủng hộ bầu Bachir Gemayel, lãnh đạo Giáo hội Cơ đốc Maronite của đảng cực hữu Các lực lượng Lebanon, lên làm tổng thống. Nhưng Gemayel bị ám sát chỉ vài tuần sau khi nhậm chức.

"Một tổng thống Lebanon lên nắm quyền nhờ hành động quân sự của Israel và hỗ trợ từ Mỹ sẽ mất uy tín trong mắt rất nhiều người dân", Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria và Algeria, nhận xét.

Vì không có tổng thống, chính phủ lâm thời hiện quản lý Lebanon. Nhưng khoảng trống lãnh đạo đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước, bắt đầu từ năm 2019 và bị Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 150 năm trở lại đây.

Đà lao dốc của nền kinh tế đẩy hàng triệu người Lebanon vào cảnh nghèo đói và khiến nhà nước không đủ khả năng để xử lý tình trạng khủng hoảng do cuộc xung đột hiện nay gây ra. Các thể chế chính phủ bị khoét rỗng bởi nhiều năm tham nhũng và bế tắc chính trị. Quốc hội không họp kể từ tháng 5. Đồng tiền Lebanon đã mất 97% giá trị so với USD kể từ năm 2019, khiến tiền lương chính phủ gần như vô giá trị.

Nhiều nơi tại Lebanon mất điện triền miên và người dân phải tự tìm cách xoay xở bằng máy phát. Quân đội Lebanon dù nhận được một số viện trợ từ Mỹ vẫn yếu hơn so với Hezbollah.

Thành viên Hezbollah khiêng quan tài của một thành viên lực lượng thiệt mạng ở miền nam Lebanon hồi tháng 10/2023. Ảnh: Reuters

Các cuộc tấn công ngày càng leo thang của Israel vào Hezbollah đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chính phủ Lebanon cho biết.

"Nếu giao tranh tiếp tục leo thang, chúng tôi sẽ quay trở lại thời kỳ đen tối", Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Lebanon Amin Salam nói. "Chúng tôi chỉ còn lại một phần rất nhỏ hệ thống viễn thông vẫn hoạt động. Nếu các cảng và sân bay bị tấn công, chúng tôi sẽ trở thành một quốc gia không Internet, không thông tin liên lạc, không có cửa ra vào. Chúng tôi sẽ trở thành hoang đảo".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9/10 kêu gọi người dân Lebanon hành động để loại bỏ Hezbollah.

"Các bạn có cơ hội cứu Lebanon trước khi nó rơi xuống vực thẳm của một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ dẫn tới hủy diệt và mang đến đau khổ như chúng ta thấy ở Gaza. Điều đó không nhất thiết phải xảy ra", ông nói. "Bây giờ, các bạn có thể giành lại đất nước của mình".

Các quan chức Lebanon trong khi đó hoài nghi về khả năng đánh bại giới tinh hoa chính trị của đất nước.

"Chúng tôi thiếu sự lãnh đạo để ít nhất có thể khởi xướng một lộ trình giúp nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", Ibrahim Mneimneh, thành viên cải cách của quốc hội Lebanon đại diện một quận ở thủ đô Beirut, cho hay.

Vị trí Israel và Lebanon. Đồ họa: RENA

Nhiều người dân Lebanon giận dữ với Israel vì đã tấn công đất nước họ, nhưng cũng phàn nàn về tình trạng chính phủ hỗn loạn.

Mohammed Mikdad, nhà sản xuất truyền hình 41 tuổi, đã ngủ trong văn phòng từ khi xung đột giữa Israel và Hezbollah leo thang từ tháng trước. Ông từng về căn hộ của cha mẹ ở phía nam Beirut để tắm giặt, nhưng đã ngừng lại vì lo sợ các cuộc không kích từ Israel.

"Mơ ước lớn nhất của tôi là được tắm", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020