Tỷ phú Elon Musk chưa bao giờ được bầu vào Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng không có ý định để ông Musk đảm nhận vai trò chính thức nào trong nội các mới. Trước khi ông Trump bị ám sát hụt ở bang Pennsylvania hồi tháng 7, tỷ phú Musk thậm chí chưa bao giờ công khai ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, những người chỉ trích tỷ phú Mỹ nói rằng ông Musk đã có một chức danh mới: "tổng thống ngầm" của nước Mỹ. Musk đã cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của mình ngay cả trước khi chính thức trở thành người điều hành Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) mà ông Trump dự kiến thành lập.
Sáng 18/12, ông chủ Tesla và SpaceX sử dụng nền tảng xã hội X mà ông sở hữu để công kích dự luật ngân sách ngăn chính phủ đóng cửa do các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện đã đàm phán và nhất trí.
Đây là dự luật lưỡng đảng do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, đề xuất, nhằm cấp ngân sách ngắn hạn để chính phủ Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 14/3.
"Dự luật này không nên được thông qua", Musk, 53 tuổi, viết. Ông sau đó đăng loạt bài viết khác, tuyên bố Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát không nên thông qua bất cứ dự luật nào trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2015.
Loạt bài đăng trong 12 giờ của Musk đã thổi bay công sức thảo luận, tranh cãi và thống nhất của Chủ tịch Hạ viện Johnson với các đồng nghiệp đảng Dân chủ suốt nhiều tháng trước đó.
Tỷ phú Elon Musk tại sự kiện vận động tranh cử của ông Donald Trump ở New York ngày 27/10. Ảnh: AP
Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Musk, vài người thậm chí còn có chút tâng bốc ông.
"Trong 5 năm ở quốc hội, tôi đã chờ đợi sự thay đổi cơ bản trong cách mọi người phản ứng. Nó đã đến", hạ nghị sĩ Dan Bishop bình luận về một bài đăng X của ông Musk.
Một số thành viên cánh hữu khác của quốc hội còn gợi ý rằng ông Musk nên đảm nhận vị trí chủ tịch Hạ viện.
Hơn 12 giờ sau bài đăng đầu tiên của ông Musk, Tổng thống đắc cử Trump và phó tướng JD Vance cũng lên tiếng phản đối dự luật. Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã hủy bỏ thỏa thuận ngân sách sau đó.
Musk tiếp tục đăng bài chỉ trích trong cả ngày 19/12, khi các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện chạy đua đưa ra giải pháp thay thế để ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa từ 0h ngày 21/12. Cuối cùng, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đưa vào dự luật ngân sách điều khoản đình chỉ giới hạn nợ công, tức xóa trần nợ công, trong hai năm, theo yêu cầu của ông Trump.
Ông Trump muốn tăng trần nợ công khi Tổng thống Joe Biden vẫn còn tại nhiệm, hơn là phải chịu trách nhiệm thực hiện điều này vào năm sau, khi ông nhậm chức và đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát quốc hội.
Tuy nhiên, dự luật mới đã không được 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện ủng hộ để thông qua. Chỉ đến khi dự luật tiếp tục được chỉnh sửa lần hai, bỏ điều khoản về đình chỉ giới hạn nợ công, nó mới được Hạ viện thông qua chỉ vài giờ trước hạn chót.
Dù vậy, nỗ lực can thiệp của Musk đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của tỷ phú Mỹ trong chính quyền.
"Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã dành nhiều tháng đàm phán để đạt thỏa thuận lưỡng đảng tài trợ cho chính phủ. Người giàu nhất hành tinh, Tổng thống Elon Musk, không thích điều đó", thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói. "Đảng Cộng hòa phục tùng ông ấy ư? Các tỷ phú không được phép điều hành chính phủ của chúng ta".
Phát biểu trên CNN, David Axelrod, người từng là chiến lược gia trưởng cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Barack Obama, nói rằng ông Musk và ông Trump "cần cùng nhau quyết định xem ai là tổng thống".
Giới quan sát nhận xét sự thăng tiến nhanh chóng trong chính trị của ông Musk là chưa từng có. Mỹ từng chứng kiến nhiều nhà tài trợ có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng chưa doanh nhân nào không được bầu vào chính quyền có quyền lực chính trị như Musk.
Tỷ phú Mỹ đã đóng vai trò lớn trong chặng cuối chiến dịch tranh cử của ông Trump, xuất hiện cùng ứng viên đảng Cộng hòa tại chính nơi xảy ra vụ ám sát hụt. Sau khi ông Trump đắc cử, Musk thường xuyên xuất hiện ở Mar-a-Lago, nơi Tổng thống đắc cử lập kế hoạch cho quá trình chuyển giao quyền lực.
Musk đã cùng cân nhắc các lựa chọn nội các của chính quyền mới, tham gia cuộc họp với những nguyên thủ quốc gia và hiện can thiệp vào chương trình nghị sự chính trị của ông Trump tại Đồi Capitol.
Đảng Cộng hòa đã "trao cho ông ấy rất nhiều ảnh hưởng đối với mọi quyết định mà họ đưa ra. Hoặc là họ sợ hãi, hoặc là họ phục tùng và thề trung thành với người đàn ông giàu nhất thế giới", Maxwell Frost, nghị sĩ Dân chủ bang Florida, nói với Washington Post.
Khi quyền lực chính trị của Musk ngày một lớn, nhiều người bày tỏ lo ngại tỷ phú Mỹ có thể lạm dụng quyền tiếp cận ông Trump và vai trò của mình trong định hình chương trình nghị sự đảng Cộng hòa.
Martin Gilens, giáo sư chính sách công tại Đại học California ở Los Angeles, cảnh báo ông Musk có xung đột lợi ích vì các doanh nghiệp của ông làm ăn với chính phủ.
"Đó là một tình huống tồi tệ. Ông ấy không được bầu nhưng ở một vị trí có ảnh hưởng rất lớn. Điều đó có vấn đề ngay từ đầu", giáo sư Gilens nói.
Ông Donald Trump và ông Elon Musk tại Butler, bang Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP
Ông Trump và nhóm chuyển giao quyền lực bác bỏ những tuyên bố rằng tỷ phú Musk đứng đằng sau việc hủy bỏ dự luật ngân sách đầu tiên. Tổng thống đắc cử cho biết ông đã chia sẻ quan điểm về dự luật với ông Musk trước khi tỷ phú đăng bài chỉ trích.
"Tôi nói với ông ấy rằng nếu đồng tình với quan điểm của tôi, ông ấy có thể đưa ra tuyên bố", ông Trump nói với NBC.
"Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra lập trường chính thức về dự luật, các thành viên đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol đã đồng tình với ông ấy. Tổng thống Trump là lãnh đạo đảng Cộng hòa. Chấm hết", Karoline Leavitt, phát ngôn viên đội chuyển giao của ông Trump, nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News ngày 19/12, Tổng thống đắc cử Trump đã hỏi tỷ phú Musk rằng liệu ông có muốn làm chủ tịch Hạ viện hay không.
"Tôi có nên như vậy không?", ông Musk hỏi lại.
"Không, chúng tôi rất hài lòng với Mike", ông Trump nói. "Elon quá bận rộn với việc đưa tên lửa lên Mặt Trăng".
Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Dân chủ vẫn lo ngại rằng những hỗn loạn ở Đồi Capitol tuần này là chỉ dấu cho những gì sẽ xảy ra dưới thời chính quyền ông Trump sắp tới, khi đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
"Bạn có một tỷ phú điều hành đất nước ư? Và chúng tôi giờ có hai người cần phải đối đầu. Nếu những quyết sách được đưa ra theo cách này, điều đó rất đáng báo động", thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono nói.
Thùy Lâm (Theo AFP, Washington Post, The Guardian)