Chuyên mục  


Nihon Hidankyo, tổ chức kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nhật Bản, hôm nay giành giải Nobel Hòa bình 2024 "vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và đấu tranh thông qua lời kể của các nhân chứng để vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được phép sử dụng nữa".

Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh Nihon Hidankyo đã đấu tranh "không biết mệt mỏi" để nâng cao nhận thức của thế giới về hậu quả nhân đạo thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sueichi Kido, Tổng thư ký Nihon Hidankyo, phát biểu tại Hội nghị Vienna về Tác động Nhân đạo của Vũ khí hạt nhân hồi tháng 6/2022. Ảnh: AFP

Tổ chức này được thành lập vào năm 1956, quy tụ các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Họ được biết đến là các "hibakusha".

Theo trang web của tổ chức, Nihon Hidankyo có thành viên ở tất cả 47 tỉnh Nhật Bản. Họ đang hợp tác chặt chẽ với các hibakusha để bảo vệ cuộc sống và quyền lợi của cho những nạn nhân này.

Nihon Hidankyo theo đuổi ba mục tiêu hoạt động, gồm ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và xóa bỏ vũ khí hạt nhân, đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân của bom nguyên tử, đồng thời yêu cầu cải cách chính sách cũng như quy định hiện hành về bảo vệ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bom nguyên tử.

Từ khi được thành lập, Nihon Hidankyo đã nộp hàng chục kiến nghị mỗi năm, thúc giục cả chính phủ lẫn quốc hội Nhật Bản tăng cường hành động để cộng đồng thế giới biết tường tận mức độ thiệt hại do bom nguyên tử gây ra, đồng thời đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy dư luận ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Nihon Hidankyo cũng liên tục yêu cầu chính phủ Nhật Bản thừa nhận trách nhiệm của nhà nước trong Thế chiến II dẫn đến vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, đồng thời phải bồi thường cho những gia đình có người thiệt mạng hay tổn hại sức khỏe vì bom nguyên tử, thông qua việc ban hành luật hỗ trợ hibakusha.

Nihon Hidankyo yêu cầu luật hỗ trợ hibakusha phải bao gồm lời cam kết của nhà nước rằng họ sẽ theo đuổi mọi nỗ lực để không bao giờ có thêm một hibakusha nào nữa ở bất cứ đâu. Đây là một phần không thể thiếu của yêu cầu "nói không với chiến tranh hạt nhân và vũ khí hủy diệt".

Chủ tịch Nihon Hidankyo Sunao Tsuboi chuẩn bị phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima hồi năm 2016. Ảnh: AFP

Dù từ chối thừa nhận trách nhiệm trong chiến tranh, chính phủ Nhật Bản và các cơ quan nhà nước khác đã phải nhượng bộ trước những yêu cầu từ Nihon Hidankyo. Một số luật đã được ban hành, như đạo luật chăm sóc y tế cho nạn nhân bom nguyên tử năm 1957, luật về các biện pháp đặc biệt cho người bị ảnh hưởng bởi bom nguyên tử năm 1968 hay đạo luật hỗ trợ nạn nhân sống sót sau các vụ nổ bom nguyên tử năm 1994.

Hidankyo hiện vẫn tiếp tục chiến dịch của mình, yêu cầu nhà nước thiết lập một hệ thống bồi thường cho các nạn nhân.

Trong nỗ lực đạt được luật hỗ trợ hibakusha, Nihon Hidankyo đã vận động và thu thập được chữ ký của hơn hai phần ba số thành viên quốc hội Nhật Bản. Các nghị quyết trong luật cũng được khoảng 75% số hội đồng địa phương thông qua. Số lượng chữ ký thu thập được trong những năm 1980, 1990 đã lên tới hơn 20 triệu.

Nihon Hidankyo đang đóng vai trò chính trong phong trào phản đối bom nguyên tử và bom khinh khí. Không chỉ tham gia một số sự kiện hòa bình, tổ chức còn gửi đại diện của mình là những nạn nhân bom nguyên tử đến khắp Nhật Bản, giúp thúc giục dư luận ủng hộ lệnh cấm và xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Nihon Hidankyo cũng đã gửi hibakusha đến hàng loạt quốc gia trên thế giới, mang theo thông điệp kêu gọi ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Nhờ những đóng góp này, Nihon Hidankyo từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vào các năm 1985, 1994, 2015 và nhận về giải thưởng danh giá trong năm nay.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, AP, Ne.jp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020