Thổ Nhĩ Kỳ và Israel được coi là những bên hưởng lợi nhiều nhất khi chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, sự kiện phản ánh rõ đà suy giảm ảnh hưởng của Iran cũng như Nga ở Trung Đông.
Nhưng hiện tại, hai cường quốc khu vực, vốn có mối quan hệ căng thẳng kể từ khi xung đột Gaza bùng phát hồi năm ngoái, đang trên đà hướng tới một kịch bản đối đầu ở Syria và nhiều nơi khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) do Ankara hậu thuẫn lên nắm quyền ở Damascus sẽ thúc đẩy những lợi ích chiến lược, đặc biệt là trong nỗ lực chống lại lực lượng dân quân người Kurd đang kiểm soát vùng đất rộng lớn ở đông bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi dân quân người Kurd là "cái gai trong mắt" mà họ muốn xóa bỏ.
"Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ muốn chính quyền mới ở Syria nhanh chóng thành công để Ankara có thể tăng ảnh hưởng ở quốc gia láng giềng phía nam, nhưng họ đang cảm thấy Israel có thể phá hỏng mọi thứ", Gonul Tol, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông, trụ sở tại Washington, nhận xét.
Với Israel, việc "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt, vốn trải dài từ Iraq qua Syria đến Lebanon, bị suy yếu nghiêm trọng từ sự sụp đổ của chính quyền Assad, tạo ra lợi ích an ninh tức thời và đáng kể.
Tuy nhiên, các quan chức Israel cho biết họ lo ngại rằng một trục Hồi giáo Sunni mới do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có thể trở thành mối nguy hiểm nghiêm trọng theo thời gian, đặc biệt là khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công khai ủng hộ những kẻ thù của Israel, như lực lượng Hamas.
Lãnh đạo trên thực tế mới của Syria, thủ lĩnh HTS Ahmed Hussein al-Shara, nói rằng ông không muốn xung đột mà chỉ muốn tập trung vào việc xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, al-Shara và nhiều cộng sự từng giữ các vai trò chủ chốt trong al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cả hai đều là các nhóm cực đoan bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Các chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh" cho chiến dịch của liên minh chống chính phủ do HTS dẫn đầu, dù không tham gia trực tiếp. Và khi trật tự mới ở Syria dần hình thành, Ankara đã nổi lên như một thế lực có ảnh hưởng đặc biệt lớn tại Damascus.
Điều này đưa Tổng thống Erdogan đến gần hơn bao giờ hết tới tham vọng của mình về việc thiết lập một phạm vi ảnh hưởng trải dài khắp các vùng đất của Đế chế Ottoman trước đây, cho đến tận Libya và Somalia.
"Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đang ở trong tình trạng tồi tệ, nhưng luôn có khả năng xấu đi hơn nữa", Yuli Edelstein, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của quốc hội Israel, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Không phải hai bên đang đe dọa lẫn nhau, nhưng nó có thể phát triển thành xung đột liên quan đến Syria, các cuộc đụng độ với những lực lượng ủy nhiệm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và trang bị vũ khí".
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần mô tả chiến dịch lật đổ chính quyền tổng thống Assad là "một cuộc tiếp quản không thân thiện" của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria.
Tổng thống Erdogan hai ngày sau đó thể hiện rõ tầm nhìn về việc biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc hàng đầu Trung Đông. "Mọi sự kiện trong khu vực chúng ta, và đặc biệt là ở Syria, nhắc nhở mọi người rằng Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn chính Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói. "Thổ Nhĩ Kỳ không thể né tránh số phận của mình".
Cục diện tại Syria. Đồ họa: Al Jazeera
Ngoại trừ Qatar, quốc gia có liên minh chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, các đối tác khác của Mỹ trong khu vực, như Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Jordan, đều có những mối lo ngại riêng về ảnh hưởng mới mà Ankara có được. Họ sợ rằng nền chính trị Hồi giáo hồi sinh từ Damascus có thể làm suy yếu an ninh quốc gia của chính họ.
Chính sách đối ngoại và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã làm các lãnh đạo Mỹ khó chịu. Họ tức giận về hợp tác quân sự và năng lượng hạt nhân giữa chính quyền Tổng thống Erdogan với Nga, cũng như trước các cáo buộc rằng Ankara hỗ trợ bí mật cho IS ở Iraq và Syria.
"Thổ Nhĩ Kỳ suốt một thời gian dài đã là một đồng minh bất kham trong mắt liên minh phương Tây", Jonathan Schanzer, giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhóm nghiên cứu tại Washington, cho hay.
Sau khi HTS lật đổ chính quyền tổng thống Assad, giao tranh vẫn chưa kết thúc. Lực lượng Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vẫn mở chiến dịch chống lại người Kurd ở phía đông bắc đất nước, nơi có một số căn cứ quân sự Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ coi dân quân người Kurd ở Syria là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức mà cả Ankara và Washington đều liệt vào danh sách khủng bố.
Lập trường ủng hộ của Washington đối với các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria từ lâu đã là một "cái gai" trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.
"Những gì đang xảy ra lúc này là một quốc gia NATO đang ủng hộ tổ chức khủng bố hoạt động chống lại một quốc gia NATO khác", Mehmet Sahin, nhà lập pháp đảng AKP cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, nói, thêm rằng ông hy vọng Tổng thống đắc cử Trump sẽ từ bỏ lập trường đó.
Nhưng Ngoại trưởng Israel Gideon Saar tuần qua đã khiến Ankara phẫn nộ khi tuyên bố Tel Aviv nên coi người Kurd là "đồng minh tự nhiên" của mình và phải tăng cường quan hệ với họ cũng như các nhóm thiểu số khác ở Trung Đông.
Israel gần đây cũng điều quân chiếm gần như toàn bộ Cao nguyên Golan của Syria, trong đó có điểm cao chiến lược Hermon. Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là mối đe dọa mới, cáo buộc Israel tìm cách phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria và liên tục yêu cầu Tel Aviv rút quân.
"Bằng cách lợi dụng khoảng trống hiện tại, Israel muốn tiếp tục các chính sách chiếm đóng. Đây không phải là điều tốt cho Syria hoặc khu vực", nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Sahin nói.
Ngoài việc kiểm soát đất ở miền nam Syria, trong hai tuần qua, Israel đã không ngừng ném bom cơ sở hạ tầng quân sự chiến lược của chính quyền Assad, đảm bảo rằng những người lãnh đạo mới tại Syria sẽ không thể kế thừa lực lượng phòng không, hải quân, không quân hay tên lửa và rocket.
Trả lời yêu cầu rút quân của Ankara, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có tư cách nêu vấn đề "chiếm đóng ở Syria", vì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động ở quốc gia này kể từ năm 2016, ủng hộ các lực lượng đối lập và cung cấp dịch vụ ngân hàng cũng như bưu chính quốc gia trên phần lớn lãnh thổ Syria.
Thủ lĩnh HTS đến nay vẫn cố gắng thể hiện hình ảnh ôn hòa. Ông đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số và khẳng định một Syria mới quan tâm đến việc tái thiết sau gần 14 năm nội chiến thay vì đối đầu với Israel.
Tuy nhiên, những lời đảm bảo đó không thuyết phục được nhiều người trong giới lãnh đạo Israel, bởi al-Shara từng lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào lãnh thổ Israel. Bí danh của ông, Abu Mohammed al-Jawlani, ám chỉ nguồn gốc gia đình ông ở Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã giành quyền kiểm soát từ Syria vào năm 1967 và sáp nhập kể từ đó.
"HTS đang nắm quyền kiểm soát ở Damascus, dưới bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên nỗi lo của Israel về những người Hồi giáo thù địch nắm quyền ở biên giới đông bắc. Tình thế khó khăn đó có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu người Kurd bị đẩy lùi, tạo cơ hội cho IS trỗi dậy trở lại", Shalom Lipner, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, người từng là cố vấn cho một số đời thủ tướng Israel, nhấn mạnh.
Edelstein, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của quốc hội Israel, cho biết mối đe dọa từ Syria sẽ không nổi lên ngay lập tức, nhưng về trung hạn, các nhóm Hồi giáo ở miền nam Syria có thể đe dọa cộng đồng Israel ở biên giới. Về lâu dài, quân đội Syria được xây dựng lại bằng vũ khí và hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ có thể một lần nữa gây ra rủi ro với Tel Aviv không khác gì chính quyền Tổng thống Assad.
Thủ lĩnh HTS Ahmed Hussein al-Shara phát biểu tại thủ đô Damascus, Syria, hôm 8/12. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng cuộc ganh đua ảnh hưởng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ khó bùng phát thành xung đột, bởi hai cường quốc vẫn duy trì những kênh liên lạc cần thiết.
"Hai nước đều là đồng minh của Mỹ, do đó vấn đề giữa họ có thể được giải quyết", Eyal Zisser, chủ tịch khoa lịch sử Trung Đông đương đại tại Đại học Tel Aviv, bình luận, thêm rằng một Syria chịu ảnh hưởng từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tốt hơn nhiều cho Israel so với một Syria chịu ảnh hưởng từ Iran.
"Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn Israel bị hủy diệt, không phát triển vũ khí hạt nhân, không cung cấp cho Hezbollah kho tên lửa khổng lồ và không gửi hàng chục nghìn dân quân vào Syria", ông nói.
Omer Onhon, nhà phân tích chính trị từng là đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Damascus, cho rằng còn quá sớm để thảo luận về một cuộc đối đầu sắp xảy ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria.
"Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các chính sách của chính phủ Netanyahu và nếu những chính sách này thay đổi thì quan hệ hai bên có thể trở lại bình thường như trong suốt chiều dài lịch sử", ông lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)