PGS.TS, Thượng tá Tạ Văn Dương, 40 tuổi, quê Bắc Giang, là giảng viên bộ môn Khí tài quang học, khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự. Từ năm 2019 đến nay, thầy cùng nhóm nghiên cứu công bố 33 bài báo khoa học, gồm 22 bài thuộc danh mục ISI - cơ sở dữ liệu khoa học uy tín.
Từng học tập từ đại học đến sau tiến sĩ, ở ba quốc gia với nhiều điều kiện thuận lợi, thầy Dương nói vẫn gặp nhiều "chông gai" khi bắt đầu công việc của một giảng viên.
"Nhưng tôi vui và hài lòng vì những gì làm được. Càng dạy nhiều, tôi càng yêu nghề, gắn bó với học viên", thầy chia sẻ.
PGS.TS Tạ Văn Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Yêu thích lịch sử quân sự, lại có ông và bố là bộ đội, từ nhỏ, thầy Dương đã mong muốn phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trúng tuyển Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2002, một năm sau, thầy Dương được chọn sang học tập tại Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moscow Bauman, Nga.
Năm 2010, thầy giành học bổng bậc tiến sĩ ngành Vật lý tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tốt nghiệp bốn năm sau đó, thầy tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Heriot-Watt và King’s College London, Anh.
Là một trong số rất ít quân nhân được tạo điều kiện học tập, làm việc ở nhiều quốc gia trong thời gian dài, thầy Dương nói luôn đau đáu chuyện về nước để phục vụ quân đội lâu dài.
Năm 2017, thầy trở về làm giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, với 25 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Thay vì chỉ tập trung nghiên cứu, làm trợ giảng như ở nước ngoài, thầy phải dành nhiều thời gian hơn cho việc giảng dạy, soạn giáo án, giáo trình. Thầy cũng gặp khó khi cơ sở vật chất cho nghiên cứu chưa đầy đủ.
Để giải quyết, thầy Dương tập hợp một số bạn bè, xây dựng nhóm nghiên cứu Microphotonics. Để có phương tiện làm thí nghiệm, thầy Dương bàn bạc với gia đình rồi dùng khoản tiết kiệm 200 triệu đồng để mua những thiết bị cơ bản nhất như máy quang phổ, kính hiển vi.
"Những thiết bị nào có thể tự chế tạo, như tủ hút để làm mẫu, bàn quang học, chúng tôi cố gắng tự làm để tạo ra một góc thí nghiệm đơn sơ", thầy Dương kể.
Cả nhóm sau đó được giao đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) nên có thêm kinh phí. Dù vậy, thầy Dương vẫn bỏ thêm khoảng 150 triệu đồng nữa để đầu tư cho phòng thí nghiệm.
Sau gần hai năm, nhóm có công bố đầu tiên. Từ hai thành viên ban đầu, hiện nhóm có 10 người, gồm cả giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên. Gần đây, bộ môn thầy Dương công tác được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có laser điều biến bước sóng, phù hợp với hướng nghiên cứu về vi laser của nhóm.
Thầy Dương (thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên nhóm nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2021, thầy Dương được giáo sư cũ ở Đại học Công nghệ Nanyang mời sang Singapore làm việc 6 tháng, giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thời gian cách ly nghiêm ngặt, thầy Dương thấy "chưa bao giờ cô đơn đến vậy".
Do làm nghiên cứu thực nghiệm, thầy phải đến phòng thí nghiệm hàng ngày. Được trường tạo điều kiện cho đi nước ngoài, thầy tự nhủ cần chăm chỉ, tận dụng tối đa thời gian, điều kiện trang thiết bị nhằm cho ra những kết quả nghiên cứu tốt nhất.
"Tôi ở phòng thí nghiệm từ sáng đến tối, hầu như không ăn trưa, có nhiều hôm làm đến 22h", thầy Dương kể.
Những kết quả nghiên cứu trong thời gian này là tiền đề để thầy Dương và đồng nghiệp công bố 4 bài báo, trong đó có hai bài đăng trên tạp chí Advanced Materials với hệ số ảnh hưởng (IF) gần 30. Đây là một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới về khoa học vật liệu.
Cùng năm này, thầy đạt giải thưởng Nhà Vật lý trẻ triển vọng của Hội Vật lý Việt Nam.
Thời gian ở Đại học Công nghệ Nanyang, thầy Dương giảng dạy một lớp và hứng thú vì sinh viên hỏi rất nhiều. Sau này về nước, thấy nhiều học viên có tố chất nhưng chưa mạnh dạn và chủ động, thầy luôn tìm cách khuyến khích họ trao đổi, thảo luận.
"Tôi cũng thay đổi tư duy, sẵn sàng nói bản thân chưa có câu trả lời trước một vấn đề nào đó, rồi tự tìm tòi hoặc hỏi đồng nghiệp để có thể giải đáp cho các em", thầy Dương nói.
Thầy Dương ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồng hành với thầy Dương hơn 20 năm, Thượng tá, TS Nguyễn Xuân Thấu, giảng viên Bộ môn Vật lý, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, nhận thấy đồng nghiệp có đam mê lớn cùng sự tập trung, quyết tâm cao.
"Từ những năm cuối đại học ở Nga, anh Dương đã tự học tiếng Anh để xin học bổng sang Singapore. Đến bây giờ, khi đứng trước những vấn đề mới, anh vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp rất cao để đạt được mục tiêu đề ra", thầy Thấu nói.
Ở trường, thầy Dương luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng chí, đồng đội, không bao giờ từ chối bất cứ điều gì nếu như có thể làm được, theo thầy Thấu. "Tôi và các học trò của anh là những người hưởng lợi".
Thầy Dương quan niệm "đội nhóm đoàn kết hơn đội nhóm thành công". Vì thế, thầy chú trọng duy trì tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong nhóm nghiên cứu.
Giảng viên xuất sắc của Học viện Kỹ thuật quân sự mong muốn hợp tác được với nhiều nhóm khác, tạo tiền đề xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh.
"Tôi cũng muốn góp phần lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt hướng tới việc đọc những cuốn sách tinh hoa, không chỉ giúp rèn luyện nghị lực mà còn nuôi dưỡng tâm hồn giàu yêu thương", thầy nói.
Dương Tâm