Chuyên mục  


cuba-17266224401951939441658.jpg

Ông Herminio López Díaz, cựu đại sứ Cuba tại Việt Nam (mặc áo cờ đỏ sao vàng) chụp ảnh kỷ niệm cùng đoàn khách Việt Nam tại nhà hàng của ông ở Havana - Ảnh: Trịnh Văn Ánh

Sau đại dịch COVID-19, khách du lịch quốc tế đến Cuba đông dần trở lại. Đảo quốc vùng Caribê này vừa miễn visa cho khách Trung Quốc để mở hướng phát triển du lịch với thị trường tỉ dân đầy tiềm năng. Du lịch đang là ngành chủ lực mang ngoại tệ về cho Cuba.

Tăng sức hút khách quốc tế

Tiếng chào "ní hảo" (tiếng Trung Quốc) thỉnh thoảng vang lên trong khuôn viên khách sạn 5 sao Nacional de Cuba ở Havana. Đây là một trong những khách sạn cổ kính, sang trọng của thủ đô Cuba từng đón nhiều nhân vật nổi tiếng đến lưu trú. Cô hướng dẫn viên thông thạo ba thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dắt khách đi khoe căn phòng đặc biệt treo đầy hình ảnh các nguyên thủ quốc gia và văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, khách sạn có tuổi đời gần một thế kỷ này hướng tầm nhìn bao quát ra mặt biển lộng gió. Mấy khẩu đại bác khổng lồ trên bãi cỏ khách sạn trở thành điểm chụp ảnh của các nhóm khách quốc tế. Chỉ có khách sạn 5 sao mới được ưu tiên không cúp điện, cúp nước trong tình hình thiếu điện, thiếu nước vẫn là nỗi lo thường xuyên của người dân ở đây.

Ngoài du khách châu Âu, Cuba đón khá nhiều khách từ Canada xuống trốn lạnh và nay là khách từ Trung Quốc bay sang. Khách Trung Quốc không chỉ đi du lịch mà còn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở đảo quốc đang còn gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận từ năm 1960 đến nay.

Ô tô Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều trên đường phố Havana bên cạnh các loại ô tô cổ nổi tiếng của Cuba. Những chiếc xe buýt mới toanh chở khách từ Havana đi ra biển Varadero cát trắng, nắng vàng (cách thủ đô khoảng 140km) cũng mang nhãn hiệu Trung Quốc.

Trên đường đến Varadero, du khách có thể ngắm cây cầu cao nhất Cuba tại trạm dừng chân bên trên cầu và nhâm nhi món sữa dừa đá xay pha với rượu rhum.

Một nhóm khách vừa đến Havana tối hôm trước, sáng hôm sau thẳng tiến đến đây câu tôm hùm. Cả nhóm tò mò, háo hức nhưng chờ khá lâu chẳng câu được con nào. Quả thật câu dưới nước không dễ, nhưng lại quá dễ khi "câu" trên thực đơn với giá tôm hùm sống khoảng 15 - 20 USD/con tùy trọng lượng, chỉ bằng nửa giá ở Việt Nam.

Cô hướng dẫn viên cho biết tôm hùm Cuba không chỉ có ở nhà hàng lớn mà nay có cả ở những nhà hàng bình thường, phần lớn dành cho khách quốc tế. Khách nội địa với thu nhập khá thấp không đủ sức để thưởng thức món đặc sản này.

Theo một chuyên gia sống ở Cuba, những năm qua đất nước này đã dần dần cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa cùng với hộ kinh doanh cá thể hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách quốc tế.

Họ được xuất nhập khẩu một số hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, trứng, sữa… Nhưng vì sợ gia tăng khoảng cách giàu nghèo gây bất bình đẳng nên có lúc Nhà nước quy định giá trần đối với các loại hàng nhập khẩu. Những lúc đó hàng hóa trở nên khan hiếm vì không đủ lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng không mặn mà nhập khẩu nữa.

do-hoa-17266226505542131844626.jpg

Nguồn: Văn phòng quốc gia về thống kê và thông tin Cuba - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Quy định chính thức về quảng cáo

cuba2-17266225211351307852156.jpg

Con đường dẫn vào khách sạn màu hồng, nơi nhà văn người Mỹ Ernest Hermingway từng lưu trú khi ở Cuba từ năm 1928 đến 1939 - Ảnh: Xuân Trung

Khách quốc tế tăng trở lại, nhà hàng và cửa hàng ăn uống đều bận rộn hơn. Quảng cáo, truyền thông trên báo đài cũng tăng lên.

Quốc hội Cuba vừa thông qua Luật Truyền thông xã hội, có hiệu lực từ tháng 10-2024, lần đầu tiên quy định chính thức (lâu nay chỉ có quy định dưới luật) về quảng cáo và dịch vụ trên báo đài Cuba.

Báo in được quảng cáo không quá 30% số trang, chẳng hạn tờ báo có 12 trang không được quảng cáo quá 4 trang. Đài phát thanh, truyền hình không được quảng cáo quá 10% thời lượng chương trình…

Nhà báo Ricardo Ronquillo Bello, chủ tịch Hội Nhà báo Cuba, cho biết đã có nhiều ý kiến tranh luận khi Quốc hội thảo luận và thông qua đạo luật này. Đây là đạo luật quan trọng thứ ba ở Cuba, sau Hiến pháp và Luật Gia đình, nên việc tranh luận sôi nổi là đương nhiên.

Một số nhà báo đề nghị cho phép quảng cáo nhiều hơn để báo đài có thêm doanh thu ngoài nguồn ngân sách cấp. Từ đó các cơ quan báo chí chủ động tái đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi công nghệ, tăng thu nhập cho phóng viên…

Tuy nhiên, phần lớn các cơ quan quản lý báo chí cho rằng không nên đăng/phát quá nhiều quảng cáo vì sẽ chiếm hết diện tích, liều lượng của báo đài mà nguồn thu có được cũng không đáng bao nhiêu.

Các cuộc tranh luận vẫn còn sôi nổi dù luật đã được thông qua, chuẩn bị thực hiện vào tháng tới. Có 17 báo đài ở trung ương và vài địa phương được chọn làm thí điểm đổi mới nội dung, công nghệ, tài chính… sau đó sẽ đánh giá, mở rộng nếu mọi chuyện suôn sẻ. Hội Nhà báo Cuba xem đây là thí điểm quan trọng của báo chí Cuba theo xu hướng thích ứng với thời đại số và tự chủ một phần tài chính.

Các nhà báo trẻ ở cơ quan truyền thông đa phương tiện Ideas Multimedios chia sẻ: báo chí Cuba đang cần đầu tư công nghệ hiện đại theo xu thế chung của thế giới. Trang web "Cubadebate" (Cuba tranh luận) của họ ngày càng thu hút nhiều lượt xem trên mạng. Những nội dung từ đây còn được đưa lên Facebook, X (Twitter), YouTube… để cung cấp thông tin chính thống và phản bác thông tin sai lệch về đất nước này.

Họ khoe doanh thu quảng cáo 8 tháng đầu năm 2024 khá hơn năm ngoái, có tiền chi thêm thu nhập cho các phóng viên đạt năng suất cao.

Trở ngại lớn nhất của họ hiện nay là Internet thường chập chờn vì lệnh cấm vận, không thể kết nối cáp quang thuận tiện như các nước khác. Vì vậy việc xử lý thông tin trên mạng không thể nhanh, hiệu quả như mong muốn.

Có thể thấy rằng Cuba thật sự muốn hội nhập nhiều hơn với thế giới và cũng mong muốn thế giới đến với họ nhiều hơn để hiểu và chia sẻ hơn với người dân Cuba.

Cựu đại sứ mở nhà hàng

Khách quốc tế vào càng đông, nhà hàng và cửa hàng ăn uống mọc lên càng nhiều. Ông Herminio López Díaz sau khi hết nhiệm kỳ đại sứ Cuba tại Việt Nam trở về đã mở nhà hàng Yucasabi chuyên chế biến các món ăn làm từ bột sắn. Năm nay 56 tuổi, vị cựu đại sứ này khởi nghiệp từ năm 2019. Xoay xở khá vất vả trong mấy năm dịch COVID-19, ông nói: "Gần đây nhà hàng đã đông vui trở lại".

Tiếp đoàn khách Việt Nam, ông bảo luôn nhớ những năm tháng ở Hà Nội và lấy cảm hứng từ sự phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam để bước ra làm ăn với thị trường. "Tôi làm cho Nhà nước hơn 25 năm. Như thế đủ rồi, đến tuổi này tôi muốn làm gì đó cho riêng mình. Tôi thuê mặt bằng của Nhà nước để mở nhà hàng và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước", ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020