Chuyên mục  


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 24/11 nói rằng Nga đã phóng 460 máy bay không người lái (UAV) tầm xa nhằm vào nước này chỉ trong một tuần qua. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine trước đó cho biết phải đối mặt với 2.023 UAV tự sát tầm xa dòng Geran và một loại phi cơ chưa xác định trong tháng 10, gấp gần ba lần mức 700 chiếc trong tháng 9.

Đây có thể là một phần chiến dịch có mật danh "Mục tiêu Giả" được Nga triển khai gần đây, trong đó kết hợp số ít UAV mang đầu đạn sát thương với hàng chục phi cơ giá rẻ đóng vai mồi nhử.

Mồi nhử làm bằng gỗ ép và xốp của Nga trong ảnh công bố ngày 18/11. Ảnh: BQP Ukraine

Những phương tiện mồi nhử thường chế tạo từ vật liệu nhẹ như gỗ ép và xốp, nhằm đơn giản hóa sản xuất và giảm giá thành. Mỗi chiếc được gắn thêm các quả bóng bọc kim loại để tăng diện tích phản xạ radar, có đặc điểm nhận dạng không khác gì UAV tự sát Geran-2 trên màn hình radar của binh sĩ Ukraine.

"Chiến thuật hiệp đồng kiểu bầy đàn nhằm khiến phòng không Ukraine thêm rối loạn khi phải quyết định bắn hạ mục tiêu nào trong thời gian ngắn. Họ không thể phân biệt được mồi nhử gần như vô hại với những chiếc Geran-2 mang đầu đạn sát thương thật sự", nguồn tin giấu tên am hiểu ngành chế tạo UAV của Nga tiết lộ với AP hồi giữa tháng.

Một số quan chức và binh sĩ Ukraine cũng thừa nhận tình hình khó khăn khi đối phó bầy đàn UAV của Nga.

"Mỗi phi cơ chỉ là một chấm sáng kèm dữ liệu hướng bay và độ cao trên màn hình radar. Chúng tôi không có cách nào nhận diện chính xác tính chất của chúng, nên phải hạ toàn bộ mục tiêu. Đối phương thường dùng mồi nhử để thu hút sự chú ý", Yuri Ignat, cựu phát ngôn viên không quân Ukraine thừa nhận.

tong-thong-ukraine-keu-goi-phuong-tay-vien-tro-phong-khong-1732498006.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ofpc-TgzA2pEEteCjSgmIA
Tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ phòng không

UAV Geran-2 của Nga trên bầu trời Kiev hôm 24/11. Video: Kyiv Info

Binh sĩ Ukraine có biệt danh Rosmaryn tuyên bố đã bắn rơi hàng chục UAV tự sát Nga trong gần hai năm qua, trong đó có cả mồi nhử bằng xốp. "Chúng tôi không thể nắm được chủng loại UAV khi chúng còn đang bay, chỉ có thể xác định bản chất thực sự sau khi hạ được mục tiêu", quân nhân này cho hay.

Serhii Beskrestnov, chuyên gia quân sự về lĩnh vực công nghệ vô tuyến của Ukraine, ước tính mồi nhử hiện chiếm hơn một nửa số UAV Nga nhắm vào nước này.

Ukraine từ đầu mùa hè năm nay tuyên bố phần lớn UAV tự sát của Nga đều bị bắn hạ hoặc lạc đường, tự rơi do bị gây nhiễu. Theo AP, chỉ 6% UAV Nga đánh trúng mục tiêu Ukraine trong những đòn không kích tính từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, số lượng phi cơ lọt qua lưới phòng không như vậy vẫn đủ để gây thiệt hại đáng kể.

Năng lực chế tạo UAV tự sát của Nga cũng hỗ trợ tích cực cho chiến thuật này. Nguồn tin tình báo Ukraine nói rằng Moskva đã mở hai nhà máy chế tạo UAV dòng Geran tại đặc khu kinh tế Alabuga ở Cộng hòa Tatarstan, cách biên giới khoảng 1.300 km, và đạt sản lượng lên tới hàng trăm chiếc mỗi tuần.

Phương Tây nhận định đặc khu kinh tế này được mở rộng đáng kể sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, trong đó một số cơ sở chuyển hẳn sang chế tạo vật tư quốc phòng. David Albright, chuyên gia thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho rằng đặc khu Alabuga hiện chỉ tập trung sản xuất UAV tự sát cho Bộ Quốc phòng Nga.

Phương án chế tạo song song hai dòng UAV không chỉ vắt kiệt lưới phòng không Ukraine, mà còn giúp Nga tiết kiệm chi phí quốc phòng và tăng tối đa sản lượng. Nguồn tin giấu tên tiết lộ mỗi nhà máy ở đặc khu Alabuga xuất xưởng được 10 UAV vũ trang Geran-2 với giá 50.000 USD, cùng 40 UAV mồi nhử rẻ hơn trong một ngày.

Binh sĩ Ukraine cạnh xác UAV dòng Geran mang đầu đạn nhiệt áp trong ảnh chụp hôm 14/11. Ảnh: AP

Nga cũng liên tục thay đổi phương án công kích, điển hình là cho UAV bay trước để buộc phòng không Ukraine khai hỏa và hết đạn trực chiến, sau đó phóng tên lửa đạn đạo và hành trình vào mục tiêu trọng yếu.

Ngoài gây rối loạn và thu hút hỏa lực, một số UAV mồi nhử cũng trở thành tai mắt cho lực lượng trinh sát. Chúng có thể mang theo cảm biến quang - điện tử và đường truyền dữ liệu kết nối trực tiếp với kíp điều khiển, giúp họ xác định vị trí các trận địa phòng không và xây dựng bản đồ mạng lưới phòng thủ đối phương.

Bộ tư lệnh phòng không Ukraine từng nhiều lần phát hiện UAV trở về không phận Nga trong các đòn tấn công quy mô lớn, dường như chính là những phi cơ chỉ điểm mục tiêu đang bay về căn cứ để tái sử dụng.

Dòng Geran-2 cũng liên tục được cải tiến để tăng hiệu quả, trong đó phiên bản mới nhất mang đầu đạn nhiệt áp đang trở thành cơn đau đầu mới cho quân đội Ukraine. Nhiệt độ cao 2.500-3.000 độ C cùng áp suất đột ngột thay đổi từ vụ nổ của loại đầu đạn này có thể phá hủy nhiều khí tài cơ giới, đồng thời gây sát thương với những binh sĩ trú ẩn trong không gian hẹp.

Theo Albright, UAV mang đầu đạn nhiệt áp của Nga còn được nhồi thêm lượng lớn bi kim loại để gây thiệt hại tối đa, đặc biệt hiệu quả trong đòn tập kích nhằm vào các công trình hạ tầng.

Beskrestnov cho biết Nga lần đầu phóng UAV Geran-2 mang đầu đạn nhiệt áp vào Ukraine từ đầu mùa hè, chúng chiếm 3-5% số máy bay được sử dụng trong mỗi cuộc tập kích. "Loại đầu đạn này có khả năng phá hủy một tòa nhà lớn và đặc biệt hiệu quả nếu Nga tấn công các nhà máy điện", Beskrestnov nói.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV

Geran-2 được cho là biến thể được Nga sản xuất dựa trên UAV tự sát Shahed-136 do Iran phát triển. Mỗi chiếc có tầm bay 2.500 km, tốc độ hành trình 185 km/h, trang bị đầu nổ nặng 50 kg hoặc 90 kg tùy phiên bản.

Nga lần đầu sử dụng Geran-2 trong loạt trận không kích cuối năm 2022, nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng và cơ sở trọng yếu của Ukraine. Binh sĩ Ukraine và nguồn tin tại Nga cho biết các kỹ sư vẫn liên tục thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ mới để "đưa Nga lên vị trí tiên phong trong chế tạo UAV".

Nguyễn Tiến (Theo AP, AFP, Reuters)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020