Châu Âu đang tụt hậu so với Trung Quốc và Mỹ sau khi mắc “hai sai lầm lịch sử lớn nhất” trong chính sách năng lượng, đó là dựa vào khí đốt của Nga và quay lưng lại với năng lượng hạt nhân, Fatih Birol, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, nói.
Fatih Birol nói với Financial Times rằng ngành công nghiệp châu Âu hiện đang phải trả giá cho hai sai lầm lớn nhất này. Khối sẽ cần “một kế hoạch tổng thể công nghiệp mới” để phục hồi.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol. Ảnh: FT
Ông Birol đưa ra nhận định trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU trong tuần này, với trọng tâm là khả năng cạnh tranh kinh tế của khối.
Châu Âu hiện đang tụt hậu so với Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực như sản xuất công nghệ sạch do các quy định hà khắc và giá năng lượng cao hơn. Giá điện ở EU thường cao gấp hai đến ba lần so với ở Mỹ.
Birol cho biết: “Các ngành công nghiệp hiện tại của EU, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, đang và sẽ gặp bất lợi lớn về chi phí so với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc và Mỹ”.
Dữ liệu từ cơ quan giám sát năng lượng cho thấy EU đã thành công trong việc chuyển hướng khỏi khí đốt của Nga sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Năm 2023, lần đầu tiên EU sản xuất nhiều điện từ năng lượng gió hơn khí đốt.
Khí đốt từ Nga trước đây chiếm hơn 40% nguồn cung của khối. Tỷ lệ này giảm xuống còn 15% vào năm 2023 dù nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga bằng tàu biển tăng lên.
Nguồn cung từ Na Uy và Mỹ giúp EU tránh mất điện khi chiếm lần lượt 30% và 19% tổng lượng nhập khẩu của khối. Ngoài ra, việc triển khai nhanh chóng năng lượng tái tạo cũng giúp ích.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân tại châu Âu ngày càng phân cực hơn.
Các quốc gia như Pháp, Hungary và Cộng hòa Séc ủng hộ hạt nhân nhưng các quốc gia thành viên EU khác như Đức, Áo và Luxembourg phản đối mạnh mẽ. Các nước phản đối cho rằng các dự án hạt nhân thường bị trì hoãn và đội vốn, đồng thời ăn mòn ngân sách dành cho năng lượng tái tạo.
Amund Vik, cựu Bộ trưởng Năng lượng Na Uy và là cố vấn cấp cao của Tập đoàn tư vấn Eurasia, cho biết việc chuyển đổi năng lượng mà không có hạt nhân sẽ khó khăn hơn vì cần có tải năng lượng ổn định để bù đắp cho năng lượng gió và mặt trời không liên tục.
Năm 2019, EU đã đặt ra một trong những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng nhất trên thế giới với cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải so với năm 1990 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, khối đã thông qua các luật về chuyển đổi nền kinh tế. Tuy vậy, các chính trị gia lo ngại phản ứng dữ dội khi các đạo luật như lệnh cấm sử dụng động cơ đốt trong mới hoặc các quy định nghiêm ngặt về hiệu quả sử dụng năng lượng bắt đầu ảnh hưởng đến cử tri trước các cuộc bầu cử trên toàn EU sắp tới.
Các chính sách xanh cũng nằm trong danh sách ưu tiên của chính phủ khi những lo ngại an ninh liên quan đến di cư và xung đột ở Ukraine đang khiến các nhà lãnh đạo bận tâm.
Theo FT