Chuyên mục  


Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm Phụ nữ hiện đại, tự chủ cuộc sống, do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, nhân hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ chủ động được việc mang thai và sinh con theo kế hoạch.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy hơn 53% ca phá thai là mang thai ngoài ý muốn, do nhiều phụ nữ không được đáp ứng về các biện pháp tránh thai an toàn. Riêng ở trẻ vị thành niên, mỗi năm có thêm khoảng 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Con số này thực tế có thể cao hơn nhiều do các ca phá thai được thực hiện tại cơ sở tư nhân.

Đặc biệt, một nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội công bố năm 2023 cũng cho thấy số trẻ vị thành niên phá thai tăng gấp đôi so với thập niên trước khi tăng từ 0,4 lên 1%. Nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá khi thai đã to.

BSCKII Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, đánh giá hiện nay có nhiều giải pháp giúp phụ nữ ngừa thai như bao cao su, thuốc... Tuy nhiên, tỷ lệ phá do mang thai ngoài ý muốn vẫn rất cao, đặc biệt nhiều trường hợp sử dụng biện pháp ngừa thai nhưng thất bại.

"Phụ nữ thiếu thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản và phương pháp tránh thai hiện đại có thể dẫn đến việc áp dụng tránh thai không hiệu quả hoặc không sử dụng", bác sĩ Minh nói, thêm rằng những quan niệm sai lầm, thiếu sự hợp tác từ người đối tác, áp lực từ gia đình và cộng đồng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến tỷ lệ phá thai tăng lên, theo bác sĩ Minh. Việc phá thai không an toàn để lại nhiều hệ lụy, như sót thai gây rong huyết. Rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm, trường hợp nặng hơn có thể đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Minh (phải) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Kiều Trang

Tại tọa đàm, bác sĩ Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa của Bayer Việt Nam, cũng nhìn nhận mang thai ngoài ý muốn có thể gây xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sự nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và bé khi thiếu sự chuẩn bị. Điều này còn tác động lớn đến sự phát triển chung của xã hội.

Các chuyên gia đánh giá việc giáo dục về sức khỏe sinh sản, tình dục còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu cũng như tình hình thực tế ở giới trẻ. Việc tiếp cận thông tin, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản cho nhóm này còn hạn chế. Vì thế, không nên dừng lại ở việc giáo dục giới tính. Các hoạt động tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sớm và phá thai an toàn cũng cần đẩy mạnh.

Hồi tháng 7, Bộ Y tế xin ý kiến các cơ quan dự án xây dựng Luật Dân số, trong đó đề xuất quản lý chặt chẽ phá thai nói chung và dịch vụ phá thai nói riêng nhằm giảm tỷ lệ phá thai, phá thai không an toàn, nâng cao chất lượng sức khỏe phụ nữ, chất lượng dân số. Mục tiêu đến năm 2030 giảm 2/3 số người vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020