Chuyên mục  


chay-bo-1727257247010663423783.jpg

Bác sĩ sản khoa và y học thể thao khuyến cáo thai phụ không nên vận động mạnh, thay vào đó nên tập luyện nhẹ nhàng. Ảnh minh họa: nhiều phụ nữ tích cực tham gia các giải chạy để rèn luyện thể lực - Ảnh: NHƯ Ý

"Không cổ vũ hành động này tí nào", "Không chạy lúc này thì lúc khác", "Không hiểu sao ban tổ chức vẫn cho thai phụ mang thai 29 tuần chạy, trong khi đi máy bay thôi đã cần giấy xác nhận bác sĩ, ký giấy thỏa thuận trách nhiệm?", "Người trong cuộc mới biết được cơ thể họ như thế nào mới tham gia giải chạy"...

Rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn là không ủng hộ khi hình ảnh phụ nữ có thai tham gia giải thi chạy bộ được đăng tải lên mặt báo và nhiều trang mạng xã hội. Bác sĩ sản khoa và y học thể thao khuyến cáo ra sao?

Đối diện rủi ro, đặc biệt mang thai những tuần cuối

Theo bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP.HCM, việc thai phụ tham gia giải thi chạy sẽ đối diện rủi ro cao khi dễ mất kiểm soát và cơ thể hoạt động quá sức do hội chứng hưng phấn từ không khí đám đông của giải chạy kéo theo.

Rủi ro này càng cao đối với thai phụ mang thai ở những tuần cuối thai kỳ.

Dẫn tài liệu giảng dạy y học thể thao của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM về “Thể dục thể thao khi có thai” (xuất bản 2000), bác sĩ Huy Đổng thông tin thêm, thai phụ nên tránh các môn làm giảm lượng oxy trong máu (võ thuật, đá bóng…) hay các môn tập luyện căng thẳng (thi chạy…).

Các môn thể thao được khuyến cáo thai phụ tập luyện là đi bộ, thiền, yoga, tập thở, đi bộ chậm, có thể chạy chậm (chú ý hạn chế những tháng cuối thai kỳ...). Khi tập luyện, thai phụ nên tập từng đợt ngắn với thời gian kéo dài khoảng 15-30 phút, nhằm hạn chế tác động lên thai nhi và đảm bảo lượng oxy trong máu.

Khi vận động điều độ, nhẹ nhàng, trong thời tiết mát mẻ cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thai phụ giảm đau lưng, ít đau hơn khi sinh, từ đó ít có khả năng phải sinh mổ lấy thai, thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.

Bác sĩ Huy Đổng lưu ý thêm, đi bộ thể dục khác với chạy bộ cả hình thức lẫn tác dụng và hậu quả. Chạy bộ thể dục hàng ngày cũng khác với chạy bộ tham gia giải (người chạy bộ tham gia giải phải gắng sức, nỗ lực hơn).

Nguy hiểm cho thai phụ có tiền sử đặc biệt, thai kỳ bất thường

Về mặt sản khoa, bác sĩ CKII Bùi Thị Hồng Nhu - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho hay thai phụ chạy bộ đường dài thi giải được hay không sẽ tùy vào thể trạng và chế độ luyện tập của mỗi người trước khi mang thai.

“Thực ra không có giới hạn cho thai phụ mang thai ở tuần thứ mấy được hay không được chạy bộ, mà tùy thuộc vào thể trạng và sự linh hoạt của mỗi người.

Nếu trước khi mang thai, thai phụ tập chạy bộ thường xuyên thì khi mang thai vẫn có thể chạy nhẹ nhàng 5km, không gắng sức là bình thường”, bác sĩ Nhu chia sẻ thêm.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp thai phụ không nên vận động mạnh hay tập gắng sức, bác sĩ Nhu lưu ý. Theo đó là những thai phụ có tiền sử đặc biệt như tiền căn sinh non, tiền căn sẩy thai to, tiền căn ối vỡ non... hoặc thai kỳ lần này có vấn đề bất thường như nhau tiền đạo, nhau bám thấp, dọa sinh non, đau trằn bụng, đa ối, cổ tử cung ngắn…

Bên cạnh thai phụ có tiền sử đặc biệt hay đang mang thai gặp vấn đề bất thường nêu trên, bác sĩ Huy Đổng nhấn mạnh, với thai phụ mang thai những tháng cuối thì tuyệt đối không gắng sức, cần tăng khoảng thời gian nghỉ nhiều hơn, vì riêng em bé trong bụng đã làm thai phụ khó thở hơn bình thường.

Những thai phụ có vấn đề xương khớp, mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, béo phì, tiền sản giật... cũng cần hết sức cẩn thận.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020