Chuyên mục  


Thùy Dương phải dừng công việc ở một công ty bất động sản để chu toàn việc gia đình, theo ý mẹ chồng. Sau sinh, cô liên tục mệt mỏi, ăn uống không ngon hay suy nghĩ bi quan. Nhiều lúc đun nước đang pha sữa, Dương làm đổ, lênh láng khắp sàn. Khi nấu ăn, người phụ nữ thường quên tắt bếp, khiến đồ ăn cháy, bị mọi người phàn nàn, "chỉ mỗi chăm con cũng không xong".

"Chứng hay quên ảnh hưởng đến cuộc sống khiến tôi mệt mỏi, trầm cảm nặng hơn", Dương nói.

Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Dương nói mình là tự tin, hoạt bát. Gần đây, cô ít nói, dễ cáu gắt và không còn muốn gần gũi chồng và con.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám Bệnh, cho biết đây là tình trạng suy giảm trí nhớ sau sinh, khá phổ biến. Hiện Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, chỉ ghi nhận sự gia tăng ca bệnh ở các cơ sở y tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Đầu tiên, trong quá trình mang thai và sinh nở, lượng estrogen trong cơ thể của người phụ nữ bị thiếu hụt nghiêm trọng, làm giảm khả năng ghi nhớ. Khi cho con bú, cơ thể tiết ra prolactin ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, mất kinh tạm thời. Tình trạng này đã làm giảm estrogen, gây tiền mãn kinh tạm thời khiến chị em bị suy giảm trí nhớ hơn những giai đoạn khác. Nhiều mẹ phải thức khuya để chăm con, gây thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.

Sau sinh, cơ thể mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng, nguy cơ thiếu máu lên não. Nhiều mẹ bầu sau sinh bị thiếu canxi, là chất dẫn truyền thần kinh cực kỳ quan trọng.

Nguy hiểm hơn, giảm trí nhớ do hiện tượng trầm cảm sau sinh. Theo nghiên cứu của Ramadas (năm 2015), tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh từ 10 đến 20% trên toàn thế giới. Trầm cảm bắt đầu ngay sau khi sinh con và kéo dài đến một năm. Tỷ lệ trầm cảm cao gấp ba lần trong 5 tuần đầu sau sinh và cao nhất ở 12 tuần đầu sau sinh; tỷ lệ tái phát 25-68%. Tại châu Á, tỷ lệ trầm cảm sau sinh dao động từ 3,5% đến hơn 63%. Trong đó, Pakistan có tỷ lệ trầm cảm sau sinh cao nhất và Malaysia tỷ lệ thấp nhất. Ở Việt Nam, nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11% đến 33% và thường khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh.

"Trầm cảm khiến người phụ nữ mệt mỏi, chán nản, nhớ nhớ quên quên, nặng có thể xuất hiện ảo giác, hoang tưởng, xuất hiện ý nghĩ làm hại bản thân và con", bác sĩ nói.

Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Để giảm tình trạng này, bác sĩ khuyên chị em nên bổ sung chất dinh dưỡng và estrogen tự nhiên như đậu nành, hạt điều, hạt lạc, hạt vừng và hạt hướng dương. Bổ sung B6 và acid folic như ngũ cốc, bột yến mạch, rau bina, súp lơ xanh, dâu tây, táo, hạnh nhân. Hạn chế chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Các mẹ nên rèn luyện bé con cách ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý, giúp mẹ ngủ đủ giấc. Bổ sung canxi đầy đủ cho đến khi trẻ cai sữa. Nên tập luyện các bài thể dục nhẹ, yoga, nghe nhạc, ngồi thiền khi con ngủ.

Người mẹ không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức. Gia đình cần đồng hành, giúp đỡ để người phụ nữ vượt qua giai đoạn này.

"Nếu tình trạng nhớ nhớ quên quên của phụ nữ ở mức độ trầm trọng cần đi khám để tránh biến chứng nặng, đặc biệt là trầm cảm sau sinh", bác sĩ nói.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020