Chuyên mục  


20-9-nam-tran-2-sk-read-only-172675656690076824683.jpg

Người dân sơ tán, chống mưa lũ tại tỉnh Yên Bái - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều người cho rằng mặc dù là nước chịu nhiều thiên tai, thế nhưng nhiều người trong chúng ta thiếu kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm khi gặp thiên tai, thảm họa. Nên chăng cần xây dựng giáo trình, thậm chí chương trình quốc gia hướng dẫn những kỹ năng ấy, hạn chế tối đa những cái chết thương tâm trong bão lũ, thảm họa.

Cần có kỹ năng để tự bảo vệ mình

Chưa nói đến các tỉnh miền núi, tại Hà Nội những ngày qua cũng ngập trong biển nước mênh mông. Không bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào tình trạng bị cô lập, chị Hoàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ khi nước dâng ngập nhà cửa, các con của chị đều rất hoang mang. Đó là trận lũ lịch sử mà chúng chưa từng thấy trong đời.

"Mọi thứ ngập, những ngày đầu không điện, không nước, không thể nấu ăn, bỗng tôi trộm nghĩ nếu không có người lớn ở nhà các con xoay xở thế nào, ngay vợ chồng tôi ở nhà vẫn còn lúng túng. May mắn đã chuẩn bị nước uống và lương khô, cố gắng duy trì đợi sự trợ giúp của mọi người xung quanh, chính quyền địa phương", chị Hoàn nói.

Chị cho rằng cần có nhiều hơn những thông tin, kỹ năng về việc sống chung nếu mưa ngập và tình huống cần thoát hiểm. Những điều nên làm và không nên làm khi gặp thiên tai lũ lụt để người dân có thể tự sinh tồn, tránh đối diện với những nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng.

Thực tế hiện nay những khóa học kỹ năng về thoát nạn khỏi đám cháy là phổ biến nhất.

Chị H.Y. (34 tuổi, quận 3, TP.HCM) có con đang học lớp 1 cho biết mặc dù cuộc sống hiện đại hơn, thế nhưng những sự việc cây đổ, bão lũ, nước ngập thường xuyên xảy ra. Do vậy mỗi người nếu có thời gian nên tham gia các buổi hướng dẫn kỹ năng sinh tồn để bảo vệ mình và người thân.

Tuy nhiên theo chị Y., hiện nay một số tiết học thực tiễn hướng dẫn cho trẻ nhỏ học kỹ năng sơ cứu, sinh tồn vẫn còn chưa được quan tâm chú trọng trong nhà trường.

"Tôi rất mong ngành giáo dục sớm đưa những tiết học quan trọng này vào chương trình dạy học bắt buộc. Những tiết học này rất được các em yêu thích vì trẻ dễ học hỏi, ngoài ra còn để các em trang bị kiến thức, tâm lý khi xảy ra tình huống xấu", chị Y. nói.

Hiện nay gần như rất hiếm hoi có được thông tin hữu ích hướng dẫn khi bão vào người dân phải làm gì, khi nước lũ dâng phải làm sao, khi mắc kẹt trên ô tô rơi xuống nước phải làm gì… Mặc dù những kỹ năng đó có thể không phải thường xuyên xuất hiện nhưng nó có thể là cứu cánh khi không may gặp nạn.

Có "giáo trình" cho từng khu vực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Thu Tính (giáo viên Trường THPT và THCS Hợp Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) chia sẻ mưa lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người và vật chất ở Yên Bái.

"Là địa phương vùng núi cao, nhà trường vẫn có những chương trình ngoại khóa, sinh hoạt đầu giờ hướng dẫn các con những kỹ năng phòng chống đuối nước, cứu nạn trong mưa lũ… Chính những kỹ năng này đã góp phần không nhỏ để trẻ có thể an toàn trong mưa lũ", cô Tính nói.

Cô Tính cũng cho hay mặc dù có những chương trình ngoại khóa dạy các con kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm nhưng chủ yếu vẫn là do nhà trường phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức, chưa có bài bản, đa dạng hay hấp dẫn để trẻ dễ dàng tiếp nhận.

Cô Tính cho rằng bên cạnh những kỹ năng thông thường, cần có những kỹ năng chuyên sâu hơn với từng khu vực.

"Ví dụ ở miền núi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần tăng cường cho người dân bao gồm cả trẻ em kỹ năng an toàn khi xảy ra tình huống này. Còn tại miền Trung thường xảy ra lũ lụt, ngập sâu, cần chú trọng kỹ năng bơi lội. Hay ở Hà Nội có thể là cây đổ, ngập sâu, cháy nổ ở khu nhà cao tầng…

Mỗi khu vực cần có những "giáo trình" khác nhau và phải cập nhật bởi mô hình thảm họa, vật dụng để sinh tồn, có thể bổ sung hằng năm. Không nên bê nguyên kinh nghiệm của vùng này đến vùng khác và những đồ dùng của nhiều năm trước để ứng dụng vào hiện nay", cô Tính đề xuất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trang Nguyễn - đồng sáng lập Công ty Kỹ năng sinh tồn SSVN - cho biết vị trí địa lý Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, do vậy thường xuyên bị ảnh hưởng tác động của thời tiết khắc nghiệt như: bão, lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu…

Ngay cả trong cuộc sống hằng ngày các tai nạn sinh hoạt như té ngã, đuối nước, cây đổ, cháy, nổ… cũng rất thường gặp, kỹ năng sinh tồn trong những trường hợp này là cần thiết.

Việc biết cách sơ cấp cứu đơn giản, phòng, chống tai nạn sinh hoạt thường ngày giúp mỗi người tự bảo vệ bản thân mình, thậm chí có thể cứu sống những người xung quanh.

Học sinh tồn trong các tiết học dã ngoại

edit-20-9-nguyen-hien-sk-read-only-17267587552231063887195.jpeg

Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân tại Thái Nguyên trong cơn bão số 3 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bà Trang dẫn chứng ở các nước phát triển người phụ trách các lớp học sẽ luôn tìm cách đưa trẻ nhỏ ra sân, hoặc có tiết học dã ngoại để dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn. Ở Na Uy khi trẻ mới bắt đầu đến trường mầm non, bảo mẫu đã hướng dẫn các con cách xử lý vết thương như đứt tay, chảy máu... cần sơ cứu ra sao.

Hoặc như Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất, mỗi người dân đã trang bị cho mình kỹ năng ứng phó như cách di chuyển, bình tĩnh xử lý tình huống, bảo vệ cơ thể ra sao...

Thậm chí phụ huynh đã trang bị cho trẻ các túi sinh tồn ngay từ nhỏ hoặc mỗi gia đình đều được trang bị túi này. Vật dụng như vậy tùy thuộc vào các đặc trưng khí hậu của mỗi nước.

Tại Việt Nam, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra các sổ tay hướng dẫn sơ cấp cứu trong những tình huống khẩn cấp khuyến khích phổ biến cho giáo viên. Thế nhưng theo một số giáo viên, bộ tài liệu còn khó tiếp cận, chưa phù hợp với hiện trường, khó hiểu...

Do đó theo bà Trang, cần phải ban hành bộ tài liệu, giáo trình hoặc sổ tay phổ thông một cách cụ thể hóa, đơn giản hóa, thống nhất với nhau, tham khảo thêm các tài liệu quốc tế để mọi người dân dễ hiểu nhất.

Trong chương trình học của trẻ, cần phải sớm đưa các tiết học thiết thực bắt buộc. Các tiết học cần nghiên cứu để phù hợp từng lứa tuổi của các em.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020