Thuốc Cảm xuyên hương trị đau đau đầu, cảm cúm không còn xa lạ trong cuộc sống. Thế nhưng, ngày nay, có rất nhiều biệt dược mang tên Cảm xuyên hương khiến cho nhiều người bị bối rối khi tìm hiểu và lựa chọn.
Ảnh minh họa
Cảm xuyên hương là thuốc gì, có công dụng điều trị bệnh gì?
Cảm xuyên hương là loại thuốc Đông y quen thuộc, được sử dụng rộng rãi để điều trị các triệu chứng cảm cúm thông thường như:
Sổ mũi: Giảm tiết dịch mũi, thông thoáng đường thở.
Hắt hơi: Làm giảm tần suất hắt hơi.
Nhức đầu: Giảm đau đầu do cảm cúm gây ra.
Sốt: Hỗ trợ hạ sốt nhẹ.
Ảnh minh họa
Thành phần của Cảm xuyên hương có tác dụng gì?
Mỗi thành phần trong thuốc Cảm xuyên hương đều có những tác dụng quan trọng đối với việc trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm và tăng cường sức khỏe, cụ thể như sau:
Xuyên khung: Vị cay, tính ấm, có tác dụng làm giảm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, phong hàn và các rối loạn trên hệ thống thần kinh trung ương.
Hương phụ: Vị cay, hơi đắng, ít ngọt, tính bình, có tác dụng điều trị các rối loạn liên quan đến hệ thần kinh trung ương (chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu), buồn nôn, giúp kháng khuẩn, giảm đau và hạ nhiệt khi sốt.
Quế chi: Có mùi thơm, tính ấm, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, phong hàn…
Bạch chỉ: Vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, trừ phong hàn, hoạt huyết, hỗ trợ điều trị đau họng, sưng họng, viêm amidan…
Sinh khương (gừng tươi): Vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng điều trị cảm lạnh, nhiễm phong hàn, ho khan, ho có đờm, đầy bụng, khó tiêu…
Cam thảo: Tính bình, vị ngọt, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, trị ho khan, đau họng, viêm họng…
Các dạng bào chế và thành phần chi tiết của từng loại thuốc Cảm xuyên hương
1. Dạng siro (chai 60ml)
Cát cánh: 6gr.
Xuyên khung: 6gr.
Kinh giới: 6gr.
Tử uyên: 6gr.
Bách bộ: 6gr.
Hương phụ: 6gr.
Cam thảo: 3gr.
Trần bì: 3gr.
2. Dạng cao lỏng (chai 90ml)
Xuyên khung: 3,78gr.
Bạch chỉ: 5,22gr.
Hương phụ: 3,78gr.
Gừng tươi: 0,48gr.
Nhục quế: 0,18gr.
Cam thảo: 0,15gr.
3. Dạng viên nang cứng
Xuyên khung: 132mg.
Bạch chỉ: 165mg.
Hương phụ: 132mg.
Cam thảo: 5mg.
Quế: 6mg.
Gừng: 15mg.
Ảnh minh họa
Cách dùng và liều dùng với từng loại thuốc Cảm xuyên hương
1. Liều dùng Cảm xuyên hương cho người lớn
- Dạng viên nang cứng: Uống 2-3 viên/lần, ngày uống 3 lần.
- Dạng cao lỏng: Uống 15ml mỗi ngày, ngày uống 2-3 lần.
2. Liều dùng thuốc Cảm xuyên hương cho trẻ em
- Dạng siro: Ngày uống 2-3 lần, lượng uống mỗi lần khác nhau tùy theo độ tuổi:
Trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi: Uống 3ml/lần.
Trẻ em từ 3-7 tuổi: Uống 5ml/lần.
Trẻ em từ 7–12 tuổi: Uống 7,5ml/lần.
Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Uống 10ml/lần.
- Dạng viên nang cứng:
Trẻ em uống 1-2 viên/lần, ngày uống 3 lần.
- Dạng cao lỏng:
Trẻ em 2-5 tuổi: Uống 5ml/lần, ngày uống 2 lần.
Trẻ em 5-12 tuổi: Uống 7,5ml/lần, ngày uống 2 lần.
Mỗi nhà sản xuất thuốc đều ghi rõ liều dùng khuyến cáo trong tờ hướng dẫn sử dụng, bạn nên tuân thủ theo đúng hoặc hỏi ý kiến của dược sĩ, bác sĩ.
Chống chỉ định khi dùng thuốc Cảm xuyên hương
Người bị mẫn cảm hoặc có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong Cảm xuyên hương.
Người bị thiếu máu, mất máu nhiều do bị thương hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Phụ nữ đang mang thai.
Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
Người có tiền sử mắc bệnh động kinh.
Người bệnh bị sốt cao, co giật.
Dùng thuốc Cảm xuyên hương cho bà bầu có được không?
Thuốc Cảm xuyên hương không được khuyên dùng cho bà bầu vì thành phần thuốc có chứa xuyên khung, hương phụ, quế chi, sinh khương, bạch chỉ, cam thảo bắc. Hầu hết đều có tính cay, có thể khiến cơ thể người mẹ sinh nhiệt.
Ngoài ra, thành phần xuyên khung gây ra tác dụng hoạt huyết, hành khí, có khả năng tác động lên cơ trơn, gây co bóp tử cung rất nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu không nên dùng Cảm xuyên hương để điều trị bệnh khi mang thai.
Ảnh minh họa
Lưu ý khi sử dụng thuốc Cảm xuyên hương
Không tự ý tăng liều: Việc tăng liều dùng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn nên kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất, đồng thời nghỉ ngơi đầy đủ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số thắc mắc khác khi dùng thuốc Cảm xuyên hương
- Cảm xuyên hương có gây buồn ngủ không?
Chưa có báo cáo về tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc này.
- Cảm xuyên hương uống trước hay sau ăn?
Có thể dùng cảm xuyên hương cả trước và sau bữa ăn.
- Cách xử lý khi quên liều thuốc
Nếu người bệnh quên uống một liều Cảm xuyên hương, chỉ cần uống ngay sau khi nhớ ra nếu thời gian cách thời gian của liều tiếp theo còn lâu. Bỏ qua liều đã quên và uống tiếp tục liều tiếp theo, tuyệt đối không được dùng liều gấp đôi.
Thuốc cảm xuyên hương là một lựa chọn an toàn và hiệu quả để điều trị các triệu chứng cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều biệt dược mang tên này với nhiều dạng bào chế và từ nhiều nhà sản xuất dược phẩm khác nhau. Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm tùy theo đối tượng sử dụng và phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ.