Ngày 16/9, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam sẽ chính thức cắt sóng 2G. Do vậy, để tiếp tục sử dụng, những người đang dùng điện thoại "cục gạch" 2G phải đổi sang thiết bị cao hơn.
Ảnh minh họa.
Lợi dụng điều này một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng lại giới thiệu là máy 4G với giá 400.000 - 500.0000 đồng/máy. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều cảnh báo về các trường hợp lừa đảo này.
Theo tìm hiểu, những người đang sử dụng thiết bị 2G, đa số là người cao tuổi đều có nhu cầu chuyển sang dòng điện thoại 4G có phím bấm. Hai loại điện thoại này cơ bản giống nhau về thiết kế, phím bấm, cách sử dụng nên dễ bị nhầm lẫn. Do vậy, người cao tuổi là nhóm đối tượng bị các đối tượng lừa đảo nhắm đến để bán điện thoại giả, hàng nhái, hàng hỏng, hàng lỗi công nghệ, không sử dụng được.
Cụ thể, các đối tượng xấu đã sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua hình thức bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Đối tượng đăng tải các bài với nội dung rao bán điện thoại di động 4G giá rẻ, đồng thời rao bán những loại điện thoại thông minh 3G đã qua sửa chữa với quảng cáo "3G hay 4G đều xài thoải mái" và giá chưa đến 1 triệu đồng.
Sau khi bán được sản phẩm, các đối tượng sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn tài khoản của người mua trên mạng xã hội. Không ít người dùng ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy, lắp sim mới phát hiện mua phải điện thoại 2G hoặc điện thoại thông minh 3G nhưng không sử dụng được khi chuyển lên sóng 4G sắp tới.
Nhiều nhà mạng viễn thông khuyến cáo khách hàng hết sức thận trọng trước tất cả các cuộc gọi, nhắn tin bất thường để tránh bị lừa đảo.
Không chỉ lừa mua máy điện thoại 4G, các đối tượng tự xưng là nhân viên, cộng tác viên các nhà mạng gọi điện thông báo gói cước thuê bao di động, tư vấn các gói dịch vụ data 4G, sau đó "vẽ ra" nhiều tình huống nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, các đối tượng thông báo thuê bao di động hiện đang nợ cước. Với thủ đoạn này, các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho bị hại tự xưng nhân viên nhà mạng thông báo thuê bao di động của người dân hiện đang nợ cước của nhà mạng (thường là các thuê bao trả sau) và thông báo nếu trong vòng 30 phút người dân không thanh toán cước thì nhà mạng sẽ khóa 1 chiều và sau 1 tiếng không thanh toán thì sẽ khóa vĩnh viễn 2 chiều.
Do lo sợ, thiếu tỉnh táo cùng với các chiêu trò của các đối tượng nhằm liên tục "tấn công" vào tâm lý của người dân, rất nhiều trường hợp đã nhờ các đối tượng hỗ trợ nạp tiền thanh toán cước và làm theo yêu cầu của các đối tượng như: soạn tin nhắn với cú pháp Y gửi xxx; cung cấp mã OTP gửi về điện thoại để xác thực giao dịch…
Sau khi người dân làm theo, tài khoản sẽ bị trừ tiền cao do đã thực hiện một cú pháp đăng ký 1 dịch vụ nào đó hoặc nhắn tin đến 1 tổng đài nào đó có mức trừ phí cao của các đối tượng.
Nếu cung cấp mã OTP cho các đối tượng có thể là một xác thực từ ngân hàng, người dân sẽ có thể bị các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, mất tiền trong tài khoản ngân hàng…
Doanh số các dòng điện thoại phím bấm 4G tăng trưởng mạnh
Lừa đảo bán SIM 4G 1 tỷ GB giá siêu rẻ
Ngoài ra, các đối tượng thông báo gói cước dịch vụ data 4G gần hết hạn và hỗ trợ người dân đăng ký gia hạn gói cước kèm theo tư vấn nhà mạng hiện đang có nhiều gói dịch vụ ưu đãi cùng giá tiền thấp. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn người dân thực hiện các yêu cầu xác nhận đăng ký hoặc cung cấp mã OTP để đăng ký...
Một số trường hợp người dân không thao tác được, các đối tượng tư vấn người dân chuyển khoản để các đối tượng hỗ trợ đăng ký giúp và gửi số tài khoản cá nhân để người dân chuyển tiền cho các đối tượng thực hiện (thường là các số tài khoản "ảo" không đúng thông tin chủ tài khoản; không phải tài khoản của cửa hàng, đại lý của nhà mạng).
Cơ quan công an khuyến cáo:
Luôn đề cao cảnh giác, không tin tưởng vào những "chiêu trò" siêu ưu đãi, siêu hấp dẫn của các đối tượng. Cần tìm hiểu kĩ thông tin từ các website, app chính thống của các nhà mạng hoặc tham khảo ý kiến từ người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực viễn thông.
Đối với những vấn đề liên quan đến thanh toán cước điện thoại, gia hạn, đăng ký mới cước di động, gói cước dịch vụ data 4G… khi có nhu cầu, người dân cần đến trực tiếp trụ sở công ty hoặc các cửa hàng, đại lý chính thức của nhà mạng để được nhân viên của nhà mạng tư vấn, hướng dẫn.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư để không bị lộ thông tin cá nhân. Không tự ý cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, xác thực đăng ký, cung cấp mã OTP… cho người khác thông qua các thiết bị điện tử nếu không biết chính xác người mình sẽ cung cấp là ai.
Tin và làm theo kẻ giả danh công an, bà T. (ở Hà Nội) đã chuyển hơn 700 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng, sau đó mới phát hiện mình bị lừa.
Làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu dễ dàng hơn từ ngày 1.1.2025