Chuyên mục  


Ngày 26/5, Chi, 35 tuổi, bị Công an tỉnh Bình Định bắt tạm giam 4 tháng về hành vi Tham ô tài sản.

Trước đó, Chi trình báo công an về việc bị nhóm lừa đảo trực tuyến dụ dỗ chuyển hơn 30 tỷ đồng khi đăng ký cho 2 con và cháu tham gia giải chạy marathon diễn ra ở TP Quy Nhơn (sau này mới biết là fanpage giả mạo). Trong đó có gần một tỷ đồng của Chi, số còn lại cô sử dụng "nghiệp vụ kế toán" chuyển tiền của chi nhánh ngân hàng cho chúng.

"Chúng tôi đang điều tra cả hai vụ án Tham ô Lừa đảo", lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định cho biết.

Một trong nhiều trang giả mạo Kun Marathon để lừa đảo. Ảnh chụp màn hình

Tại cơ quan công an, Chi khai, hồi cuối tháng 4 thấy fanpage trên Facebook nói về cuộc thi "Kun Marathon-2024" diễn ra vào tháng 6 tại Quy Nhơn, nên đăng ký cho 2 con và người cháu tham gia. Cô đã nhắn tin đến fanpage (giả mạo) này hỏi thể thức đăng ký. "Do trang này có vẻ uy tín, có các video nghệ sĩ quảng cáo, lượt theo dõi và thích rất lớn, nên tôi không biết là giả", Chi giải thích.

Chi được quản trị viên trang này yêu cầu kết bạn qua Zalo với một người tên Phương Anh. Sau đó, người sử dụng nickname Phương Anh gửi cho Chi một đường link để đăng ký họ tên các bé.

Chi sau đó bị dẫn dụ vào nhóm Telegram. Tại đây, kẻ lừa đảo gửi lên nhóm sản phẩm chiếc băng đầu gối của Adidas trị giá 640.000 đồng, yêu cầu chị chuyển tiền để mua hàng, "kết nối sản phẩm" với nhà tài trợ, và cam kết sẽ hoàn tiền sau 5 phút. "Sau khi hoàn thành khảo sát sẽ được chiết khấu hoa hồng 10%", kẻ lừa đảo dụ dỗ.

Thấy các thành viên khác trong nhóm chuyển tiền, Chi cũng làm theo và sau đó nhận lại được tiền y như cam kết. Ngay sau đó, người trong nhóm lại đề nghị chuyển tiền cho những sản phẩm đắt hơn. Chi thực hiện và đều nhận lại được tiền.

Khi số tiền lên cao, kẻ lừa đảo nói Chi chuyển tiền "sai cú pháp", yêu cầu chị phải có giao dịch khắc phục thì mới được hoàn trả lại tiền gốc và lãi. Chi làm theo nhưng quản trị viên của nhóm đưa ra nhiều lý do khiến chị không nhận lại được tiền, dẫn dụ tiếp tục chuyển khoản nhiều lần.

Cảnh sát cho biết, sau khi mất một tỷ đồng, Chi nghe theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo qua mạng, chỉ cách "lấy tiền của cơ quan đang công tác" chuyển cho chúng để lấy lại số tiền đã chuyển trước đó. Chi đã sử dụng các "nghiệp vụ kế toán" và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã lấy của ngân hàng gần 30 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản, chuyển hết số tiền này cho nhóm lừa đảo.

Sau khi tiếp nhận trình báo, công an vào cuộc điều tra, xác định chủ tài khoản nhận số tiền của Chi là Công ty TNHH TMDV THE THAO DONG A VIET NAM nhưng thực chất là công ty "ma". Hành vi lấy tiền của ngân hàng chuyển cho nhóm lừa đảo của Chi là Tham ô tài sản nên bắt tạm giam.

Một số fanpage giả mạo Kun Marathon trên Facebook. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, hồi đầu tháng 5, một phụ nữ khác ở Bình Định cũng trình báo bị lừa hơn 500 triệu đồng. Nhóm lừa đảo cũng dùng thủ đoạn tương tự khi yêu cầu chị này chuyển tiền mua sản phẩm sau đó hoàn trả lại tiền với các sản phẩm đầu tiên, sau khi lên đến số tiền lớn chúng lấy lý do sai cú pháp nên không thể chuyển hoàn, yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển mua sản phẩm khác.

Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định, từ cuối tháng 4 đến nay, cơ quan điều tra nhận được hơn 20 đơn trình báo bị lừa đảo qua fanpage giả mạo cuộc thi "Kun Marathon-2024". Trong đó, nhiều nhóm lừa đảo đánh vào tâm lý các phụ huynh quan tâm giải marathon hè. Công an tỉnh Bình Định đã phát nhiều tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo này.

Để đăng ký, các phụ huynh phải hoàn thành nhiều khảo sát. Hoạt động khảo sát này được nhóm lừa đảo giải thích là để gia tăng kích cầu và tích lượt mua bán cho sản phẩm của nhà tài trợ. Các phụ huynh sẽ hoàn thành thanh toán sản phẩm mà hệ thống ban tổ chức đã liên kết với nhà tài trợ để tạo doanh số, tăng tương tác lượt mua bán cho sản phẩm.

Sau khi phụ huynh thanh toán và chụp ảnh màn hình của giao dịch lên nhóm, hệ thống sẽ đối chiếu lấy mã giao dịch và tạo bill cho sản phẩm đó nhằm tăng lượt mua bán. Khi hệ thống kiểm tra và tăng lượt mua cho sản phẩm thành công thì hệ thống sẽ hoàn tiền về cho người đã chuyển tiền. Quá trình tất toán diễn ra trong 3-5 phút. Điều phối viên trong nhóm Telegram còn hứa hẹn sẽ trả thêm 10% hoa hồng khi phụ huynh hoàn thành xong các hoạt động khảo sát. Đây là lý do khiến nhiều người sập bẫy.

Kun Marathon là sự kiện miễn phí cho trẻ 6-10 tuổi, thuộc VnExpress Marathon do báo VnExpress phối hợp với thương hiệu LofKun thuộc công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP tổ chức từ 2020. Các bé sẽ được chinh phục đường chạy dài gần 1 km. Trên đường chạy bố trí các thử thách vừa sức, kích thích vận động, kết nối các thành viên trong gia đình.

Một đại diện của VnExpress Marathon nhấn mạnh rằng mọi hình thức đòi chuyển tiền phí tham dự Kun Marathon đều là lừa đảo, vì giải chạy cho trẻ em này là miễn phí. Ban tổ chức đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi lừa đảo từ các trang web, fanpage giả mạo. "Chúng tôi cũng sẽ truyền thông rộng rãi về vấn nạn này để mọi người được biết", đại diện VnExpress Marathon nói.

Phạm Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020