Bạo lực gia đình luôn là vấn đề gây nhức nhối - Minh họa: DAD
Nhất là khi hệ thống pháp luật và trợ giúp xã hội vẫn chưa đủ hoàn thiện để chở che cho người yếu thế.
Đánh con, đi tù về đánh tiếp
Tháng 7-2023, TAND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh xét xử một vụ án hình sự về tội hành hạ con. Bị cáo Ngô Văn H., 34 tuổi. Bị hại là hai con ruột của H., đứa con trai lớn 14 tuổi, đứa con gái nhỏ 12 tuổi.
Điều đáng nói, 3 năm trước, H. vừa bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt 33 tháng tù về tội cố ý gây thương tích và 24 tháng tù về tội hành hạ con (đánh con gái tổn hại 3% sức khỏe, đánh con trai tổn hại 7% sức khỏe). Vừa ra tù được 2 tháng thì H. bị bắt tạm giam cũng vì đánh con. Đáng nói là trong thời gian H. đi tù thì mẹ của các cháu tới ở cùng chăm nom.
Tới khi H. đi tù về thì người mẹ trở về nhà bố mẹ đẻ, để ba con cho H. nuôi (hai người đã ly hôn). Bi kịch của ba đứa trẻ lặp lại, khi bố không cho các con tiếp xúc với ai, thường xuyên đánh đập chửi mắng.
Đỉnh điểm có lần chỉ vì thấy chiếc tạp dề trong rổ rau, H. dùng cán cây chổi lau nhà bằng kim loại quật liên tiếp vào người đứa lớn; đánh vào người, tát vào mặt đứa nhỏ suốt 20 phút. Sáng hôm sau đi học, bé gái 12 tuổi gục mặt xuống bàn, trùm áo kín đầu.
Cô giáo hỏi thì được biết cháu bị bố đánh. Cô giáo báo cho mẹ tới đón con đi điều trị, đồng thời trình báo công an. Người mẹ cũng làm đơn tố cáo.
Tại tòa, H. khai do con hay trêu em khóc, thường xuyên nghịch ngợm, không nghe lời, hay phá hoại đồ đạc trong nhà nên bị cáo có mắng chửi và đánh để các con nghe lời.
Còn hai đứa bé khai từ khi đi tù về hầu như ngày nào bố cũng đánh các cháu bằng tay chân, dép, cán chổi... Bố đẩy đầu con vào tường, vào cạnh giường, con sợ quá khóa cửa phòng lại thì bố dùng búa đập cửa xông vào đánh bằng cây sắt... Ông bố này bị xử phạt 42 tháng tù.
Trong khi đó ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) năm 2022, một ông bố khác khiến cả khu chung cư náo loạn vì hành hạ đứa con trai 10 tuổi như thời Trung cổ: đánh đập bằng dây thắt lưng da, lột hết quần áo, dùng thắt lưng buộc vào cổ bắt con bò lên xuống cầu thang, bò ra ngoài đường, bắt con sủa tiếng chó...
Người dân chứng kiến đã gọi điện báo công an. Đáng nói, người cha này đang chấp hành bản án tù treo về tội gây rối trật tự công cộng.
Nên khi phạm tội này, bản án tù treo biến thành tù giam, cộng với bản án 3 năm 6 tháng tù vì hành hạ con là thành 5 năm 6 tháng. Trước khi gây ra vụ náo loạn này, người đàn ông cũng đã nhiều lần đánh đập con.
Còn nhiều khoảng trống chưa có lời giải
Trong vụ việc của ông bố ở Quảng Ninh kể trên, câu hỏi đặt ra là vì sao H. bị phạt tù về tội hành hạ con, mà sau khi trở về ba đứa trẻ vẫn ở chung nhà, khác nào "giao trứng cho ác"? Và sau khi thực hiện xong bản án mới, việc này có lặp lại?
Vụ việc xảy ra khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 chưa có hiệu lực thi hành (hiệu lực từ 1-7-2023).
Trong luật này và nghị định hướng dẫn thi hành có quy định về biện pháp "cấm tiếp xúc" khi "thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình".
Luật này cũng quy định thời hạn cấm tiếp xúc - nếu do chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định là 3 ngày, nếu do tòa án quyết định là 4 tháng. Trong thời gian cấm tiếp xúc, người bị bạo hành được quyền lựa chọn nơi ở.
Còn người bạo hành thì không được đến gần người bị bạo lực trong phạm vi 100m mà không có tường hay vách ngăn bảo đảm an toàn; không được dùng điện thoại, thư điện tử để thực hiện hành vi bạo lực.
Dù vậy, chúng ta biết rằng tường ngăn, vách ngăn hay khoảng cách 100m chỉ giảm được phần nào đó nguy cơ bạo lực.
Một thẩm phán tại TP.HCM cho rằng tùy vào tính chất, mức độ mà các hành vi bạo lực gia đình có thể bị xem xét xử phạt hành chính (theo nghị định 144/2021) hay xử lý hình sự. Điều 185 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Theo đó định nghĩa là người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc trường hợp "thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần" hoặc "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm".
Một điểm gây băn khoăn trong quy định trên là ở yếu tố "thường xuyên" của hành vi bạo lực. Đúng là hành vi bạo lực gia đình thường không phải ngày một ngày hai, nhưng để đến khi bạo hành "như cơm bữa" hoặc gây náo loạn xóm làng, gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý thì e rằng quá muộn.
Vị này cũng cho rằng một điểm gây nhiều tranh luận thời gian qua là yếu tố tổn thương tinh thần. "Thực tế thấy hiếm hoi có một vụ án mà yếu tố tổn thương tinh thần được chú trọng và dùng làm căn cứ để xét xử, bên cạnh tổn thương về thể chất", vị này nói.
Cụ thể, tháng 4-2023, Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7 xét xử một thượng úy 31 tuổi về tội hành hạ vợ.
Người ta nói chồng bộ đội, vợ giáo viên là hạnh phúc lắm. Nhưng với cô giáo U., vợ anh thượng úy này, thì bi kịch bắt đầu chẳng bao lâu sau ngày cưới. Mỗi lần bất đồng là anh chàng lại giở nắm đấm, siết cổ, đá vào bụng, chửi rủa, nắm tóc ghì vào tường... bất kể là đang ở đâu.
Tại tòa, anh này thừa nhận có đánh vợ một số lần, nhưng không phải như cáo trạng nêu. Tuy vậy có một vụ có người làm chứng, đó là vụ anh ta đánh vợ ngay giữa hẻm trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM). Chắc chị vợ đau quá nên chỉ nhớ việc anh này nắm tóc kéo lê mình xềnh xệch vừa lôi vừa đánh chửi.
Nhưng người đi đường chứng kiến còn cho biết là anh đánh vợ dã man, lên gối vào bụng, nắm áo nắm tóc kéo đi một đoạn dài. Kết quả giám định pháp y cho thấy tổn thương cơ thể là 1%, nhưng tổn thương về tâm thần là 23%.
Ở tòa, anh chồng thừa nhận đánh vợ, nhưng không nhận tội hành hạ vợ, cho rằng đây chỉ là giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. Bản án dành cho anh ta là 10 tháng tù giam, cộng với số tiền bồi thường hơn 180 triệu đồng để vợ điều trị chấn thương thể chất, tinh thần.
Lời giải cho bài toán bạo lực gia đình chưa bao giờ là đơn giản, kể cả ở những nước phát triển có nền pháp lý và hệ thống trợ giúp xã hội tốt hơn Việt Nam.
Chúng ta đều biết rằng các vụ việc bạo lực là số ít trong xã hội. Nhưng hậu quả là vô cùng tàn khốc, làm tổn thương sức khỏe, tinh thần và có khi tàn hại cả một đời người.
Với những người không thể nuôi dạy con hay chăm sóc cha mẹ, vợ chồng bằng sự nhẫn nại yêu thương, mà chỉ bằng sự tức giận, bạo lực thì những biện pháp răn đe hiện nay của luật pháp rõ ràng là chưa đủ.
Bạo lực là điều đáng bị lên án, nhưng qua đây có thể thấy những ngột ngạt, ẩn ức trong đời sống gia đình đã không được giải quyết tốt. Có lẽ đó cũng là một phần lý do mà Luật Phòng chống bạo lực gia đình có quy định người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi.
Trong đó họ sẽ được giáo dục về kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; kiến thức kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, giải tỏa áp lực căng thẳng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp khi "sự đã rồi".