Chuyên mục  


Ông Dick Schoof, cựu lãnh đạo Cơ quan Mật vụ Hà Lan, ngày 2/7 tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng và trình diện các thành viên nội các trước Vua Willem-Alexander tại cung điện hoàng gia ở The Hague.

Ông tái khẳng định quyết tâm ráo riết cải cách chính sách nhập cư và tiếp nhận tị nạn tại Hà Lan "nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay", theo kế hoạch của liên minh đảng chính trị cầm quyền.

"Tôi rất mong chờ bắt đầu làm việc với tư cách thủ tướng", Schoof chia sẻ trên mạng xã hội X sau lễ nhậm chức. "Vì một Hà Lan an toàn và công bằng, trong đó mọi cá nhân đều được hưởng an sinh xã hội, chúng ta cần đối thoại, ra quyết định và nhận thức rõ về kiểm soát nhập cư. Người dân có thể tin tưởng tôi".

Những tranh cãi về chính sách nhập cư của Hà Lan đã phủ bóng cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, khi phe cực hữu chỉ trích làn sóng nhập cư và xin tị nạn đã mất kiểm soát dẫn đến gánh nặng về an sinh và bất ổn xã hội. Cơ quan Thống kê Hà Lan (CBS) ghi nhận 336.000 người di cư đến nước này trong năm 2023, giảm khoảng 68.000 hồ sơ so với năm 2022, phần lớn vì số người Ukraine đến Hà Lan xin tị nạn giảm.

Số hồ sơ nhập cư đến Hà Lan từ những nước nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Tự do Thương mại châu Âu (EFTA - gồm 4 nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ) là 165.000 người trong năm 2023. Nhóm xin tị nạn đông nhất là người Syria.

Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof (phải) gặp Vua Willem-Alexander tại Cung điện Huis ten Bosch, ở The Hague, vào ngày 2/7. Ảnh: Reuters

Ông Dick Schoof từng khẳng định ông sẽ là "thủ tướng của mọi công dân Hà Lan". Ông cũng tuyên bố mình là người "không đảng phái" và không có ý định "cúi đầu" trước lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geert Wilders.

Đảng Tự do (PVV) theo đường lối cực hữu của Geert Wilders giành nhiều ghế nhất trong bầu cử quốc hội Hà Lan vào tháng 11/2023, đạt 37 trên tổng số 150 nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm.

Tuy nhiên, Wilders đã chấp nhận không giữ chức thủ tướng và lập nội các cực hữu để thuyết phục ba đảng khác lập liên minh đa số ở quốc hội với tổng cộng 88 nghị sĩ, gồm đảng Tự do và Dân chủ (VVD), đảng Khế ước Xã hội Mới (NSC) và đảng Phòng trào Công dân Nông dân (BBB).

Thủ lĩnh cực hữu Hà Lan từ năm 2004 đã gây tranh cãi với những chỉ trích nhắm vào người nhập cư gốc Morocco và người nhập cư Hồi giáo. Ba đảng đối tác của PVV có thiên hướng chính trị cánh tả và trung dung, đều không mặn mà với những phát ngôn mang màu sắc bài xích Hồi giáo và thoát ly cộng đồng châu Âu của ông Wilders.

Cả 4 đảng trong liên minh thống nhất không lãnh đạo chính phủ, thay vào đó thỏa hiệp chọn cựu quan chức tình báo 67 tuổi Dick Schoof làm thủ tướng, với cam kết triển khai cương lĩnh hành động của liên minh cầm quyền.

Nội các của ông Dick Schoof có tổng cộng 16 thành viên. Đảng PVV giữ 5 ghế trong nội các, nổi bật là bộ trưởng y tế và bộ trưởng chính sách tị nạn. Đảng VVD và NSC giữ 4 ghế trong nội các và đều là vị trí quan trọng, gồm nội vụ, ngoại giao, tài chính và tư pháp. BBB giữ hai ghế bộ trưởng, trong đó nổi bật là ghế lãnh đạo Bộ Nông nghiệp.

Lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geert Wilders phát biểu tại Aalst vào ngày 8/6, trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP

Sarah de Lange, giáo sư chính trị Đại học Amsterdam, nhận định Thủ tướng Schoof sẽ cần nỗ lực rất nhiều để "dung hòa những mâu thuẫn ý thức hệ và mâu thuẫn cá nhân" trên chính trường Hà Lan thời gian tới.

Dù vậy, ông có thể sẽ không quá nhiều áp lực từ Geert Wilders vì lãnh đạo cực hữu cần ưu tiên ổn định nội bộ PVV sau những thỏa hiệp lập liên minh.

Khảo sát được hãng Ipsos công bố hôm 2/7 cho thấy chính phủ mới của ông Dick Schoof đang nhận mức tin tưởng 42%. Tân thủ tướng Hà Lan còn nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo cánh tả Frans Timmermans.

"Ông Schoof là người dày dạn kinh nghiệm, đã lãnh đạo nhiều cơ quan chính phủ, do đó chắc chắn sẽ biết cách bảo vệ vị thế của mình", Lange bình luận.

Thanh Danh (Theo AFP, DW, NL Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020