Chuyên mục  


Nội dung trên được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động về đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ mới đây.

Đề xuất lập quỹ hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm nay. Mức thuế suất là 15% cho các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài phải nộp thuế này ở Việt Nam, theo rà soát của cơ quan thuế.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc áp dụng thuế này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, bởi ưu đãi thuế dành cho họ trước đây sẽ không còn tác dụng.

Do đó, nhiều tập đoàn muốn được hỗ trợ chi phí tiền mặt để đầu tư dự án ở Việt Nam nhưng không được đáp ứng nên đã chuyển sang nước khác. Chẳng hạn tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo vào khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí, số lượng lao động công nghệ cao có sẵn. Họ đã chuyển sang Malaysia.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam. Thậm chí, một số tập đoàn lớn đã trao đổi chính thức về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ phù hợp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Chẳng hạn, Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD. Các dự án khác cũng chững lại như dự án sản xuất thiết bị y tế 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai của SMC (Nhật Bản); dự án mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan).

Nhân sự người Việt làm việc trong nhà máy Intel Products. Ảnh: IPV

Trước mắt, Bộ này cho rằng Chính phủ cần có giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Theo đó, cơ quan này đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, phương thức chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp đạt tiêu chí.

Quỹ này được hình thành từ nguồn thu bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu và nguồn ngân sách nhà nước khác. Ngoài ra, còn có các nguồn ngoài ngân sách như lãi tiền gửi, thu từ hoạt động sự nghiệp phù hợp, các khoản đóng góp tài trợ, nguồn tồn dư Quỹ hàng năm.

Quỹ hoạt động theo phương thức chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

Theo cơ quan này, các quốc gia đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đa dạng, áp dụng song song cả ưu đãi về thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về chi phí (hỗ trợ bằng tiền, trợ cấp đầu tư) để hiệu quả, hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong đó, ưu đãi dựa trên chi phí thường được sử dụng để góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Thực tế, việc hỗ trợ bằng tiền, trợ cấp đầu tư sẽ không chi trả ngay cho doanh nghiệp mà sẽ căn cứ theo kết quả triển khai thực hiện dự án (tiến độ giải ngân, doanh thu) và được phân bổ cho các loại chi phí mà doanh nghiệp đã thực hiện kèm theo các điều kiện nhất định.

Ví dụ, theo Đạo luật Chip của Mỹ, Chính phủ sẽ hỗ trợ 25% tổng vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất sẽ được chia thành nhiều hạng mục, hỗ trợ trong chu kỳ 10 năm. Trong thời gian đó, nếu doanh nghiệp không triển khai hoặc bán các tài sản cố định được hỗ trợ, họ sẽ bị thu hồi khoản đó.

"Với chính sách ưu đãi linh hoạt, nhiều nước đã thu hút được các dự án có quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao", Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.

Cơ quan này khẳng định việc không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định duy trì hoặc đầu tư mở rộng của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, kéo theo sụt giảm trong thu hút các công ty vệ tinh khác. Động lực của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch vào Việt Nam cũng sẽ giảm, có thể dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất, nhu cầu lao động. Ngoài ra, nếu không có chính sách phù hợp, việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Việt Nam cũng không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia, theo nhà chức trách.

Phương Dung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020