Chuyên mục  


Hơn hai năm từ khi Nga bắt đầu chiến sự tại Ukraine, giao tranh không có dấu hiệu lắng xuống và lời cam kết với bản thân của Vitaliy đang đối mặt thử thách. Anh làm quân y tại một trạm y tế ở Pokrovsk thuộc Donetsk, chiến trường ác liệt nhất miền đông Ukraine.

Quân y Lữ đoàn 47 của Ukraine điều trị cho một binh sĩ bị thương tại Pokrovsk ngày 12/6. Ảnh: AFP

Vitaliy phụ trách sơ cấp cứu, ổn định thương tích ban đầu cho binh sĩ để họ đủ thời gian tới bệnh viện điều trị. Dòng người bị thương liên tục ra vào và các y bác sĩ cũng không bao giờ được nghỉ.

"Không ngày nào quân Nga không gây sức ép và tiến công liên tục", Vitaliy nói. "Y bác sĩ ở đây đều thiếu ngủ, mệt mỏi, kiệt sức".

Bộ đàm vang lên thông báo một người lính bị thương đang trên đường tới cấp cứu. Vitaliy nhanh chóng mặc áo phẫu thuật màu xanh lam, đeo đèn mổ lên đầu. Trong vòng 15 phút, người lính rên rỉ vì đau đớn được xe bọc thép chở đến, cáng vào trạm y tế. Anh bị thương sau khi xe chiến đấu trúng đòn tấn công của drone.

"Họ đều mang thương tích nặng nề và khốn khổ khi tới đây. Tôi rất đau lòng", Vitaliy nói.

Vitaliy, 38 tuổi, bác sĩ Lữ đoàn 47, chờ đón binh sĩ bị thương tại trạm cấp cứu ở Pokrovsk, ngày 12/6. Ảnh: AFP

Một binh sĩ trúng đòn tấn công của drone đã thiệt mạng. Binh sĩ mà Vitaliy chữa trị vẫn sống, nhưng không thể làm gì để cứu bàn tay gần như nát bét của anh. Trạm y tế không phải là nơi trú ẩn an toàn. Các trạm thường xuyên bị Nga tấn công.

"Ở trong trạm giống như ngồi trên thùng thuốc súng", Vitaliy nói. "Ta chờ đợi bom đạn rơi xuống bởi chỗ này rất gần tiền tuyến".

Vitaliy thở dài mỗi khi nhớ lại tình cảnh nguy hiểm. Tất cả điều anh muốn làm bây giờ là ôm con gái vào lòng. Một số bác sĩ ở tiền tuyến cho hay sức khỏe tâm thần sa sút tới mức họ gặp rất nhiều khó khăn khi quay lại cuộc sống bình thường.

Quân y Lữ đoàn 47 đón người bị thương vào cấp cứu ngày 12/6. Ảnh: AFP

Khi được hỏi anh ứng phó thế nào, Andriy, thành viên đội sơ tán vừa đưa một binh sĩ bị thương tới, cho biết "tôi dùng thuốc chống trầm cảm". Anh mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Người đàn ông 46 tuổi cho hay tình cảnh "máu cứ đổ không ngừng, người cũng chết không ngừng" đã thay đổi anh, khiến anh vô cùng chật vật để hòa nhập cuộc sống bình thường.

"Thậm chí xung quanh yên tĩnh quá tôi cũng không ngủ nổi", anh nói.

Bất chấp khó khăn, Andriy vẫn tận tâm với công việc. Đối với anh, phần thưởng xứng đáng nhất là nhìn thấy "ánh mắt của người bị thương khi chúng tôi đưa họ ra ngoài, giúp họ sống sót".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020