Chiều 28-12 nhiều người đã bán vàng sau khi cơ quan quản lý có động thái can thiệp, khiến giá vàng giảm mạnh - Ảnh: T.T.D.
Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không được để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Nếu phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... để có giải pháp quản lý, đảm bảo khả thi... nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng công điện của Thủ tướng chỉ đạo việc chấn chỉnh và bình ổn thị trường vàng là rất cần thiết và kịp thời trước diễn biến giá vàng thời gian qua, nhất là hiện tượng giá vàng SJC có mức chênh lệch quá lớn với giá thế giới.
"Nếu tiếp tục để diễn biến giá như vậy, người dân có nhu cầu mua bán vàng sẽ bị thiệt", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, những vấn đề được Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh cho thấy những bất cập của nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang bộc lộ rõ nét. Đây cũng là những vấn đề mà Hiệp hội Kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh.
Trong đó, để không còn độc quyền, đẩy giá thương hiệu vàng SJC, cần cho phép các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu nguyên liệu, xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường, thay vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần sớm sửa đổi nghị định 24, với các nội dung toàn diện hơn trong quản lý sản phẩm, dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không chỉ đơn thuần là quản lý vàng miếng và vàng trang sức. Cũng không nên để ngân hàng thương mại trực tiếp kinh doanh vàng, vì có thể gây hệ lụy như đầu cơ, làm giá.
Đặc biệt, cần xem xét các loại hình vàng kỳ hạn để đa dạng hóa thị trường, huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Giá vàng miếng SJC giảm mạnh
Chiều 28-12, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều bộ ngành liên quan có các giải pháp quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng, giá vàng miếng SJC giảm mạnh.
Từ mức 79,2 triệu đồng/lượng, giá bán vàng miếng theo niêm yết tại Công ty SJC giảm từng phút, xuống còn 77 triệu đồng/lượng lúc 13h45 và chỉ còn 76 triệu đồng/lượng vào 14h15. Tại Công ty PNJ, giá mua bán vàng miếng SJC cũng chỉ còn 76,2 triệu đồng/lượng, mua vào 73,2 triệu đồng/lượng.
Cách biệt giá mua - bán lên đến 3 triệu đồng/lượng, gần gấp đôi chênh lệch những ngày trước và gấp 5 lần chênh lệch ở thời điểm bình thường. Vào lúc 14h30, giá mua vào vàng miếng SJC chỉ còn 73 triệu đồng/lượng.
Đến cuối ngày, giá vàng miếng SJC đã tăng trở lại. Công ty SJC và Công ty PNJ đều niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 77,5 triệu đồng/lượng, mua vào 74,5 triệu đồng/lượng, tăng đến 1,5 triệu đồng/lượng so với một tiếng trước đó.
So với giá vàng thế giới quy đổi, với mức 61,49 triệu đồng/lượng cùng ngày, giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn 16 triệu đồng/lượng trong khi chênh lệch những ngày trước lên đến gần 19 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng
Sau chỉ đạo nóng của Thủ tướng, chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng.
Theo NHNN, giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà đi lên mạnh mẽ của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC tăng với tốc độ nhanh hơn.
"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trong tháng 1-2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường", thông cáo viết.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.