Tờ Politico của Mỹ hôm 27/12 dẫn lời hàng loạt quan chức Mỹ giấu tên và một nhà ngoại giao nước ngoài ở thủ đô Washington, cho biết giới chức Mỹ và châu Âu đang "âm thầm thay đổi trọng tâm chiến lược, từ hỗ trợ mục tiêu chiến thắng toàn diện của Ukraine trước Nga sang cải thiện vị thế của họ khi đàm phán chấm dứt chiến sự".
Trong các phát biểu công khai, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn khẳng định không có thay đổi nào về chính sách, nhấn mạnh họ luôn duy trì ủng hộ Ukraine trong mục tiêu đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga về ranh giới trước chiến sự.
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các quan chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận phương án rút các đơn vị Ukraine khỏi chiến dịch phản công bế tắc, bố trí lực lượng này đến những vị trí phòng thủ kiên cố hơn nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở mặt trận miền đông.
Anthony Pfaff, chuyên gia tình báo tại Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ, cho rằng chuyển chiến lược từ tiến công sang phòng thủ có thể giúp Ukraine tiết kiệm đáng kể nguồn lực và ngăn cản đà tiến quân của Nga, buộc Moskva chấp nhận phương án thỏa hiệp với Kiev.
Tổng thống Biden (phải) tiếp người đồng cấp Zelensky tại Nhà Trắng ngày hồi tháng 9. Ảnh: Reuters
"Nỗ lực bao gồm tăng cường năng lực phòng không, xây dựng hàng loạt phòng tuyến dọc biên giới phía bắc Ukraine giáp với Belarus. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tập trung vào nhanh chóng khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của họ, giữa lúc quốc hội Mỹ chưa phê duyệt các khoản viện trợ quân sự mới", một quan chức nói.
Phần lớn thay đổi trong chiến lược nhằm mục đích cải thiện vị thế của Ukraine trong những cuộc đàm phán tương lai.
"Tư duy xuyên suốt của chúng tôi là chiến sự chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán. Chúng tôi muốn Ukraine có lợi thế lớn nhất khi điều này diễn ra. Điều đó không có nghĩa là Mỹ ngăn cản Ukraine mở những cuộc tiến công mới", phát ngôn viên Nhà Trắng giấu tên nói, nhưng nhấn mạnh rằng chưa có cuộc đối thoại nào được lên kế hoạch.
Xử lý cuộc chiến kéo dài gần hai năm giữa lúc sắp diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ là thách thức không nhỏ với ông Biden. Chính quyền Mỹ không muốn tạo cảm giác rằng Washington trao lợi thế cho Moskva khi thúc đẩy Kiev chuyển từ thế công sang thế thủ, nhất là khi ông Biden từng nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ Ukraine đến khi chiến thắng.
"Các cuộc thảo luận về đàm phán hòa bình đang bắt đầu, nhưng chính quyền Mỹ không thể công khai lùi bước để tránh rủi ro chính trị với ông Biden", một quan chức quốc hội Mỹ giấu tên cho hay.
Xe tăng Leopard 2A6 Ukraine cháy rụi sau trận đánh tại Zaporizhzhia hồi tháng 6. Ảnh: Twitter/AndreiBtvt
Những phát biểu của Tổng thống Biden trong năm qua đã chuyển từ "Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng" sang "Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể". Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố Ukraine "đã giành thắng lợi to lớn" và "Tổng thống Vladimir Putin đã thất bại".
Một số nhà phân tích nhận định đây là cách Washington phát tín hiệu đến Kiev, nhằm hối thúc Ukraine tuyên bố chiến thắng một phần, tìm cách đàm phán ngừng bắn và có thể phải nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.
"Thời gian là bất lợi lớn với nhân lực và nguồn lực công nghiệp của Ukraine, ngay cả khi phương Tây duy trì viện trợ. Chiến sự càng kéo dài, họ sẽ càng phải nhượng bộ nhiều hơn chỉ để kéo phía Nga đến bàn đàm phán", George Beebe, cựu chuyên gia phân tích Nga thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét.
Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia hồi năm ngoái và tuyên bố sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Ukraine khẳng định sẽ chiến đấu đến khi giành lại toàn bộ khu vực Nga đang kiểm soát, kể cả bán đảo Crimea, và sẽ không đàm phán khi ông Putin còn nắm quyền.
"Nếu những người quyết liệt với Nga ở Ukraine, Mỹ và châu Âu có nhu cầu đàm phán, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nhưng Moskva sẽ đàm phán dựa trên lợi ích quốc gia, chúng tôi không từ bỏ những gì thuộc về mình và không có ý định gây chiến với châu Âu", ông Putin phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng ngày 19/12.
Ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố quân đội Nga hiện nắm thế chủ động trên chiến trường và không từ bỏ các mục tiêu trong "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Nhà ngoại giao châu Âu ở Mỹ cho biết các nước phương Tây đang để ngỏ khả năng thúc đẩy tiến trình kết nạp Ukraine vào NATO nhằm giúp nước này "đạt lợi thế tốt nhất" khi đàm phán với Nga. Đây có thể là yếu tố khiến Tổng thống Putin chấp nhận đàm phán, do ông dường như vẫn muốn đạt thỏa thuận chiến lược với Mỹ để ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ nhấn mạnh tư cách thành viên liên minh quân sự không phải là yếu tố để đem ra đàm phán. "Tổng thống Biden đã thể hiện rõ ràng gia nhập NATO sẽ là một phần trong tương lai của Ukraine", phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho hay.
Vũ Anh (Theo Politico, RIA Novosti, Reuters)