Chuyên mục  


Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 7/1 gây sốc khi tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để sáp nhập đảo Greenland vào lãnh thổ nhằm đảm bảo "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Đan Mạch, quốc gia đang kiểm soát Greenland, thẳng thừng bác bỏ phương án bán hòn đảo và Văn phòng Thủ tướng Mette Frederiksen cũng đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái để tìm cách ứng phó với lời đe dọa của ông Trump.

Về mặt kinh tế và địa chính trị, việc kiểm soát Greenland sẽ gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên, nơi Nga và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện và tìm cách khai thác tuyến hàng hải mới qua khu vực này khi băng tan chảy.

Theo giới quan sát, việc Mỹ sử dụng vũ lực để giành lấy Greenland là rất khó xảy ra, bởi nó sẽ châm ngòi cuộc chiến đẫm máu với Đan Mạch, một thành viên NATO. Nhưng nếu thực sự quyết tâm, ông Trump vẫn có những cách thức khác có thể tăng cường kiểm soát với Greenland.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu ở Phoenix, Arizona, tháng 12/2024. Ảnh: Reuters

Mua lại

Alex Gray, chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia dưới chính quyền Trump đầu tiên, cho biết những cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử thực sự đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc đàm phán đưa Greenland trở thành lãnh thổ Mỹ. Nó là một phần trong nỗ lực định hướng lại chính sách đối ngoại của Washington hướng đến Tây Bán cầu trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang dành nhiều quan tâm hơn cho khu vực này.

"Tôi không nghĩ việc ông ấy mua trực tiếp nó là nằm ngoài khả năng", Gray nói.

Ông dẫn chứng việc Đan Mạch mua đảo St. Croix từ Pháp vào thế kỷ 17. Lãnh thổ này sau đó được Mỹ mua lại theo Hiệp ước Tây Ấn Đan Mạch năm 1916 và hiện là một phần của quần đảo Virgin.

Đây cũng không phải ý tưởng hoàn toàn mới. Nhiều thập kỷ trước, Mỹ đã đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch theo một kế hoạch bí mật được tiết lộ vào những năm 1990.

Đan Mạch khi đó đã từ chối đề xuất này. Đan Mạch từng coi Greenland là thuộc địa, trước khi biến nó thành lãnh thổ tự trị và trao cho hòn đảo nhiều quyền hạn của một quốc gia độc lập.

Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Trump, thăm thủ phủ Nuuk, Greenland, hôm 7/1. Ảnh: Reuters

Người dân hòn đảo có thể bầu ra lãnh đạo và nghị viện của riêng mình, trong khi Đan Mạch chủ yếu chỉ tham gia vào việc xử lý chính sách đối ngoại và quốc phòng.

"Đan Mạch không tuyên bố sở hữu Greenland", Scott Anderson, cựu luật sư Bộ Ngoại giao và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, cho biết. "Tôi khá tự tin rằng chính phủ Đan Mạch, như chúng ta đã thấy họ nói, không nghĩ rằng họ có thẩm quyền pháp lý để bán Greenland cho bất kỳ ai".

Tuy nhiên, luật pháp quốc tế hiện nay coi việc mua bán hoặc đánh cắp lãnh thổ là điều cấm kỵ. "Nếu không được quốc tế công nhận là hợp lệ và hợp pháp thì để có thể thực sự hưởng lợi từ mối quan hệ với Greenland, Mỹ sẽ phải đối mặt đủ loại tình huống phức tạp", Anderson lưu ý.

Ngay cả khi Greenland có thể được bán, nhiều người dân hòn đảo không chắc họ có muốn trở thành một phần của Mỹ hay không. Lãnh đạo hòn đảo Múte Bourup Egede đã nói rằng hòn đảo "không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán".

Và ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống đắc cử cũng phải thừa nhận rằng quá trình đàm phán mua lại Greenland sẽ rất khó khăn vì những tác động kinh tế to lớn. Greenland có trữ lượng khoáng sản khổng lồ dưới các tảng băng Bắc Cực đang tan chảy, trong đó có uranium và đất hiếm, nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất pin điện.

Đàm phán thỏa thuận

Ý tưởng sáp nhập của ông Trump đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận chính trị ở Greenland và Đan Mạch, thúc đẩy lãnh đạo hòn đảo kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Đan Mạch trong thập kỷ tới. Về lý thuyết, Đan Mạch cho phép Greenland tổ chức trưng cầu dân ý để giành độc lập vào bất cứ thời điểm nào, nhưng người dân hòn đảo chưa muốn làm điều đó vì phụ thuộc nhiều vào nguồn trợ cấp từ Copenhagen.

Trong trường hợp Greenland quyết định độc lập khỏi Đan Mạch, trở thành quốc gia riêng, Mỹ vẫn có thể tìm được cách kiểm soát hòn đảo này nhiều hơn.

Mỹ đã ký những thỏa thuận như vậy, được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), với Micronesia, quần đảo Marshall và Palau ở các đảo phía tây Thái Bình Dương.

Thỏa thuận COFA sẽ cho phép Mỹ độc quyền xây dựng căn cứ quân sự, triển khai binh sĩ đồn trú ở quốc gia đối tác. Nếu được ký với Greenland, nó có thể trao cho Lầu Năm Góc vị thế lớn hơn trong khu vực, ngăn chặn khả năng tiếp cận của các đối thủ chiến lược với tuyến hàng hải ở Bắc Cực, đồng thời kiềm chế các căn cứ không quân, hải quân Nga ở Murmansk, trên bán đảo Kola gần đó.

Vị trí Greenland và các vùng lãnh thổ mà ông Trump muốn kiểm soát. Đồ họa: CBC

Chính quyền Trump từng cân nhắc ý tưởng ký COFA với Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng mô hình này có thể làm giảm áp lực lên Copenhagen, vì Greenland có diện tích lớn hơn Đan Mạch khoảng 50 lần. Quân đội chính quy của Đan Mạch có quân số thậm chí còn thấp hơn lực lượng cảnh sát thành phố New York.

"Đan Mạch hiểu rằng Greenland sẽ giành được độc lập vào thời điểm nào đó", Gray nói. "Họ hiểu rằng họ không có khả năng bảo vệ Greenland sau khi hòn đảo giành độc lập".

Nhưng việc ông Trump công khai tuyên bố không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để giành Greenland đã khiến châu Âu bức xúc, với cả Đức và Pháp đều đã lên tiếng phản đối. Trong bối cảnh đó, nếu hỗ trợ hòn đảo tách khỏi Đan Mạch, Mỹ có nguy cơ gây ra những rắc rối ngoại giao lớn, giới quan sát đánh giá.

Tăng hiện diện quân sự

Nếu không thể mua Greenland hoặc ký thỏa thuận COFA với hòn đảo, ông Trump có thể phô diễn sức mạnh bằng cách tăng thêm căn cứ quân sự của Mỹ tại đây.

Mỹ xây dựng căn cứ không quân Thule ở tây bắc Greenland từ năm 1951, trang bị radar trong hệ thống cảnh báo sớm chuyên phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bay tới Mỹ. Không quân Mỹ bàn giao căn cứ này cho Lực lượng Vũ trụ Mỹ vào năm 2020, nó được đổi tên thành Căn cứ Vũ trụ Pituffik.

Dưới thời ông Trump, Mỹ có thể đưa các cảm biến tinh vi hơn đến Căn cứ Vũ trụ Pituffik để bổ sung cho các radar cảnh báo sớm mà Lầu Năm Góc đã triển khai tại đây.

Theo Gray, hành động phô diễn sức mạnh quân sự này sẽ khiến Greenland luôn nằm trong tầm kiểm soát, giám sát của Mỹ, đồng thời ngăn chặn các đối thủ như Nga, Trung Quốc tiếp cận, khai thác tài nguyên ở hòn đảo.

Tuy nhiên, việc Mỹ tăng căn cứ quân sự ở Greenland có thể vấp phải sự phản đối của Đan Mạch, cũng như tạo cớ để Nga và Trung Quốc công kích nước này về "chủ nghĩa phiêu lưu quân sự", dẫn đến những hậu quả về quan hệ đối ngoại, Brian Finucane, cựu cố vấn pháp lý tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Vị trí của Greenland so với Mỹ và Đan Mạch. Đồ họa: DW

Trước những lời đe dọa của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen gần đây công bố danh sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng quân sự của Greenland. Hoàng gia Đan Mạch cũng đã chỉnh sửa quốc huy để thể hiện hình ảnh Greenland rõ nét hơn, dường như nhằm gửi thông điệp đến Mỹ.

"Đan Mạch, Greenland và các quốc gia Khối Thịnh vượng Chung khác thuộc về nhau", Vua Frederik X khẳng định trong bài phát biểu ngày đầu năm mới.

Nhưng theo Thomas Jager, giáo sư chính trị tại Cologne, Đức, ông Trump có thể sẽ không mấy quan tâm đến thông điệp này. "Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Greenland còn cung cấp cho ông Trump cơ hội để khắc họa hình ảnh bản thân là một tổng thống thực sự vĩ đại giúp nước Mỹ mở rộng lãnh thổ quốc gia", Jager nói.

Vũ Hoàng (Theo Politico, DW, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020