Vệ binh Quốc gia bang California tuần này được triển khai đến khu dân cư Altadena ở ngoại ô Los Angeles để tuần tra an ninh. Tuy nhiên, đối với cư dân ở đây, sự hỗ trợ của những quân nhân đã là quá muộn màng.
"Chúng tôi không thấy lính cứu hỏa nào vào đêm 7/1, khi mọi người phải tự múc từng xô nước, cố cứu nhà cửa khỏi ngọn lửa. Dường như họ quá bận rộn bảo vệ tài sản của giới nhà giàu và người nổi tiếng ở Palisades. Còn chúng tôi, những người dân bình thường, bị bỏ mặc cho lửa thiêu rụi tài sản", Nicholas Norman, giáo viên 40 tuổi, kể lại.
Dù vậy, tình cảnh tại khu Pacific Palisades mà anh nhắc đến cũng không khác biệt nhiều. Đây là nơi đầu tiên bùng phát cháy rừng nghiêm trọng trong tuần qua, nhiều người dân địa phương cũng có chung cảm giác bất bình trước cách phản ứng của chính quyền Los Angeles.
"Giới chức thành phố khiến chúng tôi thất vọng toàn diện", Nicole Perri, nhà thiết kế 32 tuổi, cho hay. Cô thể hiện phẫn nộ khi đề cập những trụ cứu hỏa cạn nước hoặc mất áp lực nước khi lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa.
Nicole Perri và Kyle Kucharski đứng trước ngôi nhà bị thiêu rụi tại Palisades ngày 10/1. Ảnh: AFP
Ngôi nhà sang trọng của cô ở Palisades đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Perri cho rằng các quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm thích đáng. "Đáng lẽ phải có những biện pháp chuẩn bị từ rất lâu để ngăn chặn thảm họa này. Chúng tôi đã mất tất cả. Tôi cảm thấy mình chẳng nhận được chút hỗ trợ nào từ chính quyền thành phố, thị trưởng hay thống đốc của mình", cô nói.
Nhiều đám cháy vẫn hoành hành ở hạt Los Angeles, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Khoảng 10.000 tòa nhà bị phá hủy và hơn 100.000 cư dân phải sơ tán.
Chính quyền lý giải thảm họa vượt ngoài tầm kiểm soát do gió giật mạnh với tốc độ 160 km/h và đợt hạn hán kéo dài trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể xoa dịu hàng nghìn người dân tại bang California.
Karen Bass, thị trưởng Los Angeles, đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội vì đi thăm Ghana, quốc gia ở châu Phi, khi loạt vụ cháy rừng mới bắt đầu, dù các cơ quan chuyên trách đã phát cảnh báo thời tiết cực đoan từ trước đó vài ngày.
Những đợt cắt giảm ngân sách của lực lượng cứu hỏa thời gian qua, cộng với loạt cảnh báo sơ tán bị gửi nhầm đến hàng triệu người trong tuần này, càng khiến người dân thêm phẫn nộ.
"Tôi không nghĩ giới chức địa phương thật sự chuẩn bị đầy đủ cho tình huống này. Họ cần có cuộc đánh giá toàn diện vì hàng trăm nghìn người vừa bị mất nhà cửa và phải di tản. Tôi cứ ngỡ mình đang sống trong vùng chiến sự", James Brown, luật sư nghỉ hưu 65 tuổi đang sống tại Altadena, chia sẻ.
Tam giác bão lửa bủa vây Los Angeles. Bấm vào ảnh để xem chi tiết
Thị trưởng Bass và Thống đốc California Gavin Newsom, đều là thành viên đảng Dân chủ, đã kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về thảm họa cháy rừng.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã liên tục công kích chính quyền bang California, quy trách nhiệm cho giới lãnh đạo đảng Dân chủ. Ông còn nói rằng đợt cháy rừng ở Los Angeles cho thấy lẽ ra ngày ông nhậm chức để thay thế Tổng thống Joe Biden phải đến sớm hơn.
Dù vậy, những bình luận từ ông Trump cũng khiến một số nạn nhân không hài lòng.
"Đây là chiêu bài kinh điển của ông Trump: Thổi bùng tranh cãi bằng thông tin sai lệch", Ross Ramsey, kiến trúc sư địa phương, nêu quan điểm.
"Còn quá sớm để đổ lỗi hay chỉ trích ai vào lúc này. Chúng ta nên tập trung vào giúp đỡ những người đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống, sau đó mới xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc, dựa trên dữ liệu và sự thật rõ ràng", anh nói trong lúc đang dọn tro tàn từ căn nhà bị cháy của mẹ mình.
Thanh Danh (Theo AFP)