Chuyên mục  


Thiếu tá Serhiy Pedenko, phó chỉ huy Tiểu đoàn 503 thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 38 Ukraine, trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 15/6 cho biết số lượng bom lượn Nga đánh trúng các vị trí của họ quanh làng Krynki ở bờ đông sông Dnieper, tỉnh Kherson, đã giảm từ 80 xuống còn 4 lần mỗi ngày trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân là nhờ số vũ khí, đạn được từ các gói viện trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Ukraine đã đến được tay binh sĩ nước này, theo Pedenko.

Lực lượng của Kiev gần đây liên tục khai hỏa lô tên lửa ATACMS mới tiếp nhận vào các căn cứ không quân của đối phương tại bán đảo Crimea, nơi nhiều cơ phi cơ Nga cất cánh để thả bom lượn tập kích Ukraine. Đạn bổ sung dành cho tổ hợp Patriot cũng giúp lực lượng phòng không Ukraine có nguồn lực để đối phó máy bay đối phương trên vùng trời ở mặt trận phía nam.

Pedenko cho biết binh sĩ Ukraine ở bờ đông sông Dnieper đang bị lực lượng Nga bao vây và áp đảo về số lượng, song họ đã gây ra thương vong lớn hơn nhiều lần cho đối phương.

"Chúng tôi đã tiêu diệt hai sư đoàn Nga ở đây. Để đẩy lui chúng tôi, họ tiến hành nhiều cuộc tập kích bằng thiết giáp, song các phương tiện này bị thiết bị bay không người lái (drone) phá hủy. Cứ mỗi một binh sĩ Ukraine thiệt mạng thì có khoảng 30 lính Nga tử trận", Pedenko nói.

Thành viên Tiểu đoàn 503 Ukraine trong bức ảnh đăng ngày 15/6. Ảnh: Times of London

Sau khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2/2022, Nga nhanh chóng kiểm soát toàn bộ tỉnh Kherson. Nhờ chiến dịch phản công, Ukraine giành lại các khu vực thuộc tỉnh Kherson bên bờ tây sông Dnieper trong khi Nga kiểm soát bờ đông, chiếm 75% diện tích tỉnh.

Sau khi chiếm được làng Krynki và thiết lập đầu cầu ở bờ đông sông Dnieper vào tháng 10/2023, quân đội Ukraine hy vọng có thể dùng khu vực này làm bàn đạp để tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía nam. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vũ khí, đạn được nghiêm trọng của lực lượng Ukraine đã tạo điều kiện để quân đội Nga có thể phản kích.

Vị trí làng Krynki thuộc tỉnh Kherson. Đồ họa:RYV

Pedenko cho rằng binh sĩ Nga "không hiểu vì sao" lực lượng Ukraine có thể giữ vững được phòng tuyến dù bị thua thiệt về nhiều mặt. "Họ ném bom rồi điều quân tiến vào, song người của chúng tôi vẫn bám trụ, chống trả và đẩy lui đối phương", Pedenko cho biết, song thừa nhận tình hình ở đây vẫn đang "hết sức khó khăn" với lực lượng Ukraine.

Hồi đầu năm, Natalia Humeniuk, khi đó là phát ngôn viên Bộ tư lệnh Tác chiến miền nam Ukraine, cho biết Nga đang áp dụng chiến thuật "biển người" nhằm tái chiếm làng Krynki. Bộ tư lệnh Tác chiến miền nam Ukraine tuần trước nói rằng tình hình ở bờ đông sông Dnieper vẫn đang rất căng thẳng, khi lực lượng Nga liên tục gây áp lực bằng các cuộc pháo kích, không kích và drone tự sát.

Bom lượn là bom thông thường được gắn thêm cánh và hệ thống dẫn đường, cho phép phi cơ có thể từ thả từ khoảng cách xa, khiến phòng không đối phương gặp nhiều khó khăn trong việc đánh chặn. Trong 6 tháng qua, lực lượng Nga liên tục tập kích Ukraine bằng bom lượn, có loại nặng đến 1,5 tấn, từ các chiến đấu cơ như Su-34.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hồi tháng 3 cho biết bom lượn là "lợi thế chính của Nga trên chiến trường", giúp lực lượng nước này "tiêu diệt nhiều mục tiêu và vượt qua các đống đổ nát".

Phạm Giang (Theo Times of London, Business Insider)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020