Chuyên mục  


Trung tâm Truyền thông Quốc phòng, thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Iran, ngày 22/8 ra thông cáo phủ nhận thông tin chiếc trực thăng quân sự Bell 212 gặp nạn hồi tháng 5 ở tỉnh Đông Azerbaijan vì chở nhiều người hơn quy định.

Tuyên bố được quân đội Iran đưa ra một ngày sau khi hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời một nguồn tin an ninh tiết lộ nước này đã hoàn tất cuộc điều tra về thảm kịch rơi trực thăng khiến tổng thống Ebrahim Raisi và ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cùng đoàn tháp tùng thiệt mạng. Cuộc điều tra nêu ra hai nguyên nhân gây tai nạn là thời tiết bất lợi và trực thăng "chở quá tải".

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống carrying Ebrahim Raisi ở Varzaghan, tỉnh Đông Azerbaijan, tây bắc Iran ngày 20/5. Ảnh: AFP

"Trực thăng chở tổng thống chở thêm hai người, nhiều hơn quy định an toàn trên giấy phép. Phi công phát hiện sương mù và đã cố điều khiển trực thăng nâng độ cao theo đúng quy trình. Tuy nhiên, máy bay đã không đủ sức thực hiện điều này. Cộng với tầm nhìn hạn chế vì sương mù, trực thăng đâm vào dãy núi", nguồn tin tiết lộ.

Trung tâm Truyền thông Quốc phòng Iran bác bỏ thông tin trên, đồng thời lưu ý cơ quan này là đầu mối duy nhất đủ thẩm quyền thông báo kết quả điều tra vụ rơi trực thăng chở ông Raisi.

"Tuyên bố từ hãng thông tấn Fars rằng trực thăng chở thêm hai hành khách, vượt quy định an toàn, là thông tin sai lệch", cơ quan này tuyên bố, bổ sung rằng những kết luận hấp tấp "có thể bị kẻ thù lợi dụng".

hinh-anh-tong-thong-raisi-tren-truc-thang-truoc-khi-mat-tich-1716162526.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XCs5Mrz1OrxiU01iLdZ64g
Hình ảnh Tổng thống Raisi trên trực thăng trước khi mất tích

Tổng thống Ebrahim Raisi trên trực thăng khi đến tỉnh Đông Azerbaijan, tây bắc Iran. Video: IRINN

Chiếc Bell 212 chở 9 người, trong đó có tổng thống Iran Ebrahim Raisi, ngày 19/5 rơi trên đường từ Khudafarin đến Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan. Đây là mẫu trực thăng vận tải dân sự cỡ trung được tập đoàn Bell Helicopter của Mỹ phát triển và chế tạo, thực hiện chuyến bay thử đầu tiên năm 1968.

Trực thăng dài 17,4 m, cao 3,8 m, sải cánh nâng 14,6 m và khối lượng rỗng 2,9 tấn, được trang bị động cơ P&W PT6T-3, sử dụng hai tua-bin PT6 với tổng công suất 1.800 mã lực. Nếu một tua-bin gặp sự cố, chiếc còn lại có thể duy trì công suất 900 mã lực trong 30 phút, hoặc 765 mã lực trong thời gian dài và cho phép máy bay bảo đảm khả năng vận hành ở khối lượng cất cánh tối đa.

Mỗi chiếc có thể chở tối đa 15 người, gồm một phi công và 14 hành khách. Nếu hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, tổ bay được nâng lên thành hai phi công và hành khách giảm xuống còn 13 người.

Quân đội Iran không cho biết thời điểm hoàn tất điều tra và công bố nguyên nhân tai nạn. Báo cáo sơ bộ được cơ quan này công bố hồi tháng 5 cho hay không phát hiện dấu hiệu tấn công hay âm mưu mờ ám trong vụ rơi máy bay.

Thanh Danh (Theo Fars, Reuters, TASS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020