Chuyên mục  


HLV Kim Sang-sik ký hợp đồng với LĐBĐ Việt Nam (VFF) từ tháng 5/2024 đến tháng 3/2026. Quãng thời gian tương ứng với AFF Cup 2024, SEA Games 2025 và vòng loại cuối Asian Cup 2027. "Tôi muốn chiến thắng ở mọi giải đấu cùng Việt Nam", Kim nói. "Chúng tôi đang chuẩn bị rất nhiều để vô địch AFF Cup 2024".

Quan điểm của nhà cầm quân Hàn Quốc là nếu nhiệm kỳ của HLV ngắn thì cần tập trung vào kết quả trước mắt hơn chiến lược dài hạn, nghĩa là cầu thủ trẻ để hướng tới tương lai, còn người dày dạn kinh nghiệm là dành cho hiện tại. Ông cho biết: "Ưu tiên hàng đầu là kết quả chứ không phải chuyển giao thế hệ. HLV chỉ có một hay hai năm làm việc, khác với người có năm hay 10 năm. Nhưng nếu là một HLV giỏi, bạn cần tạo ra kết quả ở bất cứ hoàn cảnh nào".

HLV Kim Sang-sik trong trận ra mắt Việt Nam thắng Philippines 3-2, tại vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á, vào tháng 6/2024. Ảnh: Lâm Thoả

Giấc mơ World Cup 2026 của Việt Nam vỡ mộng cùng người tiền nhiệm Philippe Troussier. Khi ông Kim đến thay thế và dẫn hai trận cuối vòng loại hai, Việt Nam không còn quyền tự quyết. Dù nỗ lực đến cùng, đội tuyển vẫn phải chứng kiến Indonesia dắt tay Iraq đi tiếp.

Giấc mơ ấy sẽ phải chờ tiếp đến 2030, mà Kim rất muốn thử sức nếu có cơ hội. Việc phân bổ 8,5 suất ở châu Á tiếp thêm hy vọng cho các nước Đông Nam Á. HLV Kim đánh giá khoảng cách trình độ giữa các nước châu Á đã giảm đi đáng kể, chỉ cần lơ là trong chuẩn bị một chút thì đội mạnh cũng có thể thua đội yếu. Ông khen ngợi Indonesia của HLV đồng hương Shin Tae-yong đang làm tốt, còn Việt Nam hoàn toàn có cơ hội khi thể trạng và năng lực cầu thủ được cải thiện. "Nếu có thể, tôi muốn chuẩn bị dài hạn và chiến đấu ở World Cup", Kim cho hay.

Sau hơn ba tháng làm việc, HLV Kim cảm nhận rõ hơn trách nhiệm vô hạn và rất nhiều áp lực khi dẫn dắt Việt Nam – ĐTQG đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân của ông. Cái bóng của người đồng hương Park Hang-seo vẫn len lỏi trong nền bóng đá này. Tuy nhiên, Kim không ngại thừa nhận thường xuyên đến thăm bậc tiền bối tại Hà Nội, để học hỏi kinh nghiệm và bí quyết về điểm mạnh và yếu của cầu thủ, cũng như văn hoá bóng đá Việt Nam.

"Dù hiểu biết về bóng đá nhiều đến đâu mà bạn không thích nghi được với văn hoá thì cũng vô dụng", ông chia sẻ. "Anh Park đã kể cho tôi về văn hoá của Liên đoàn, giữa các cầu thủ và tinh thần dân tộc Việt Nam".

HLV Kim Sang-sik (áo trắng) phản ứng với trọng tài, khi cho rằng Elias Dolah phải nhận thẻ sau pha phạm lỗi với Tiến Linh, ở trận giao hữu Việt Nam thua Thái Lan 1-2 tại sân Mỹ Đình, ngày 10/9/2024. Ảnh: Lâm Thoả

HLV Kim lấy dẫn chứng về cách huấn luyện, cách tiếp cận và trao đổi để cầu thủ có thể tiếp thu. Tại Hàn Quốc, nếu một cầu thủ làm sai thì lập tức bị khiển trách gay gắt, ngay trước mặt đồng đội. Nhưng Park Hang-seo coi điều này là cấm kỵ tại Việt Nam, vì cầu thủ có lòng kiêu hãnh. Việc chỉ trích một cầu thủ quá nhiều trước đám đông không chỉ khiến cầu thủ ấy, mà có thể là toàn đội phẫn nộ. HLV Kim gọi đây là kinh nghiệm từ va chạm thực tế, bởi nếu không ông đã giữ cách làm việc như tại Hàn Quốc và khó tránh khỏi mất kiểm soát.

Cầu thủ Việt Nam được HLV 48 tuổi miêu tả là "trong sáng", khi thực hiện tốt những yêu cầu hướng dẫn chiến thuật và làm việc chăm chỉ. Dù vậy, HLV Shin Tae-yong từng nhận định "thế hệ vàng thời Park Hang-seo sắp tàn", từ đấy đặt ra nhiệm vụ tìm thêm tài năng trẻ dành cho những người kế nhiệm.

HLV Kim nói: "Việt Nam giống Hàn Quốc những năm 1970, khi có xu hướng coi cầu thủ là già ở độ tuổi cuối 20, gọi 27 tuổi là kỳ cựu và 30 tuổi là hết thời. Nhưng tôi nói với các cầu thủ rằng, chúng ta đang ở thời đại phải chơi bóng đến 40 tuổi. Nếu chăm sóc bản thân tốt, bạn có thể chơi đến 35 tuổi".

Việt Nam dưới thời Kim đã thi đấu bốn trận, lần lượt thắng Philippines 3-2, thua Iraq 1-3 ở vòng loại hai World Cup 2026, và mới đây là đá giao hữu thua Nga 0-3 và Thái Lan 1-2. Trong tháng 10, Việt Nam dự kiến đá thêm hai trận giao hữu, lần lượt gặp Lebanon và Ấn Độ.

HLV Kim Sang-sik bắt tay khi Quang Hải rời sân, trong trận Việt Nam thắng Philippines 3-2, tại vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á, vào tháng 6/2024. Ảnh: Lâm Thoả

Cũng trong cuộc phỏng vấn dài với Asia Today, HLV Kim tiết lộ ông đến với bóng đá không phải từ niềm yêu thích. Ông sinh ra ở vùng quê nghèo Haenam thuộc tỉnh Jeolla, rồi chuyển đến Busan từ năm lớp ba. Từ chỗ học ở trường có năm học sinh mỗi khoá, Kim chuyển đến trường Gupo có 15 lớp và mỗi lớp có 60 học sinh, khiến ông khó khăn để thích nghi.

Thể thao là con đường để cậu học sinh Kim bớt sợ hãi. Ông bắt đầu với cầu lông vì là môn thế mạnh của trường Gupo – điểm xuất phát của một số tay vợt Hàn Quốc giành huy chương Olympic. Sau hai tuần tập luyện, HLV tặng cho mỗi học sinh một cây vợt, trừ Kim. HLV giải thích rằng khi nào Kim tập đến nổi 10 mụn nước trên tay thì sẽ được tặng vợt. Dù hiểu ý HLV, Kim vẫn không hài lòng, thế rồi đội bóng đá tái thành lập và ông chuyển sang đó.

"Khi là một đứa trẻ, tôi còn không biết bóng đá có tốt hay không", Kim cho biết. "Tôi nhanh chóng tham gia vì nghe nói sẽ được nhận rất nhiều đồ ăn nhẹ, bánh mỳ và sữa".

Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp Đại học Daegu, Kim trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thi đấu cho Seongnam từ năm 1999 đến 2008, rồi Jeonbuk Hyundai từ 2009 đến 2013, với năm lần vô địch K-League 1. Ông trở thành tiền vệ phòng ngự hay bậc nhất lịch sử xứ kim chi, thi đấu 59 trận cho ĐTQG, gồm tham gia Olympic 2000 và World Cup 2006. Kim vẫn nhớ như in thi đấu hai trận, là thắng Togo 2-1 và hoà Pháp 1-1, nơi ông được đối đầu Zinedine Zidane và Thierry Henry.

Sau mùa 2013, Kim giải nghệ chuyển sang làm trợ lý, rồi HLV trưởng Jeonbuk từ năm 2021 đến 2023. Ông giúp đội vô địch K-League 1 2021 và FA Cup 2022, nhưng vẫn phải từ chức vì kết quả tệ đầu mùa vào tháng 5/2023. Tròn một năm sau, ông trở thành HLV Việt Nam.

Hiếu Lương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020