Chuyên mục  


base64-17261312522421770108189.jpeg

Tọa đàm "Bầu cử ở Mỹ và những khả năng tác động đến kinh tế Việt Nam" diễn ra ngày 12-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Trần Đức Cảnh - chủ tịch Viện Phát triển giáo dục đại học Sài Gòn (SIHED), từng 50 năm sinh sống, làm việc ở Mỹ - cho biết cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống ngày thứ tư vừa qua đã thể hiện sự khác biệt khá lớn về quan điểm cũng như đề xuất chính sách của hai ứng viên. Thậm chí khác biệt này lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Hàng hóa Việt Nam tiếp tục hưởng lợi

Tuy có cách thức tiếp cận khác với nhau với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chính sách chung vẫn dành sự quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có vai trò của Việt Nam. Vì thế, TS Trần Xuân Cảnh cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Việt Nam có những cơ hội lớn nhưng đi kèm theo những thách thức.

Ông Trần Như Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giám đốc Ủy ban Phát triển bền vững - cho biết về cơ hội thì ngành dệt may đã tận dụng tốt từ nhiều năm qua. Năm 2024 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỉ USD. Trong đó, Mỹ đang là thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Tuy lớn nhất nhưng không phải thị trường Mỹ là duy nhất, nên ngành dệt may Việt Nam sẽ không bị tác động quá nhiều bởi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

"Xu hướng chung là ngành dệt may của Việt Nam có khả năng hưởng lợi nhiều, song vẫn có những khó khăn đặt ra. Hiện Việt Nam đứng thứ nhì, chỉ sau Trung Quốc về xuất khẩu may mặc ở thị trường Mỹ. Thời quan qua mặc hàng này xuất xứ Trung Quốc đã bị tăng thuế, đang có lợi cho doanh nghiệp Việt", ông Tùng thông tin.

Lý do là Chính phủ Mỹ đã áp đạo luật chống lao động cưỡng bức, đối với vùng Tân Cương (Trung Quốc, nổi bật với sản xuất bông làm vải), khiến nhiều hàng dệt may Trung Quốc hẹp đường vào Mỹ. Do đó xuất hiện làn sóng doanh nghiệp Trung vào Việt Nam đang ngày một tăng lên.

Theo ông Tùng, so với các thị trường khác, thì những yêu cầu về thực hiện phát triển bền vững, ESG của khách Mỹ không áp lực bằng khách hàng từ châu Âu. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu rõ luật chơi và hoàn thiện các quy chuẩn mỗi ngày. Vì thế cơ hội đưa hàng vào Mỹ sẽ lớn hơn thời gian tới. Vì bà Kamala Harris cũng rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng xanh, biến đổi khí hậu. Khi có sự chuẩn bị tốt, doanh nghiệp Việt tránh bị thua thiệt.

base64-17261312522771282668121.jpeg

Ông Trần Như Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhưng vẫn sẽ có khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Gần đây, biến động chính trị của Bangladesh đưa đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa không có rủi ro. Năm vừa rồi, vẫn có hàng Việt Nam bị hải quan chặn lại cảng ở Mỹ do nguồn nguyên liệu sử dụng từ doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen" của hải quan Mỹ", ông Tùng lưu ý. Ngoài ra, sau đợt COVID-19, nhà nhập khẩu Mỹ bị tồn kho nhiều, dẫn đến việc căn ke về giá.

Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM - cho biết khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang kể từ năm 2018, Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm gỗ từ đất nước tỉ dân.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt đạt khoảng 9 tỉ USD, thì thị trường Mỹ chiếm khoảng 40%. Chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ, nội thất của Việt Nam tăng 100% với con số 14-15 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 60%, trở thành thị trường quan trọng. Sự gia tăng này đã thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến gỗ ở Việt Nam, và hiện nay FDI từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong dòng vốn này.

"Tăng trưởng vào Mỹ thuận lợi thì doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng hưởng lợi. Dẫu vậy đang có sự cạnh tranh giữa các ngành sản xuất trong việc thu hút FDI và có chiều hướng bất lợi cho ngành thâm dụng lao động", ông Chánh Phương nhìn nhận.

Các chính sách mới kinh tế của Mỹ dù vẫn giữ xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng doanh nghiệp Việt ngành gỗ mạnh về sản xuất, có chuỗi cung ứng tương đối và hiện chỉ thua về mặt xúc tiến, phát triển thị trường. 

Dù các hoạt động này trong nước khá tốt nhưng sang thị trường Trung Đông hay Mỹ thì chúng ta thua hẳn Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… Cần khuyến khích doanh nghiệp mở chuỗi cung ứng trực tiếp tại Mỹ, tận dụng kênh thương mại điện tử, thay vì chờ tại Việt Nam ngồi đặt hàng. 

Cần chủ động đối thoại, tăng hiểu biết

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển tầm cao, cả chính trị lẫn kinh tế. Dù kết quả bầu cử thế nào thì các doanh nghiệp chuẩn bị các phương án, phải chủ động, kết nối đan xen lợi ích tầm chính trị và kinh tế. Có thể khai thác hai chiều tác động về quan hệ chiến lược và đầu tư, kênh chính phủ - chính phủ, doanh nghiệp - doanh nghiệp.

"Thời gian qua, nước Mỹ có sự dịch chuyển rất lớn trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt từ sau dịch COVID-19, quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc với chính sách Trung Quốc + tiếp tục được thúc đẩy. Nhiều hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang có lợi và muốn tận dụng thì phải có phương án chuẩn bị", nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ lưu ý.

base64-1726131252305916246670.jpeg

Với ngành gỗ, nội thất, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang chủ động ứng phó với những thay đổi mới.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Hội đã có sự chuẩn bị "chiến lược về công" và "chiến thuật về thủ", trong đó khuyến nghị chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI bài bản và mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ những FDI không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt với các bên "núp bóng".

Cần khuyến khích doanh nghiệp mở chuỗi cung ứng trực tiếp tại Mỹ, tận dụng kênh thương mại điện tử, thay vì chờ tại Việt Nam ngồi đặt hàng.

Hiện ngành gỗ đang mua nguyên liệu gỗ từ Mỹ mỗi năm khoảng 250-260 triệu USD. Bản thân Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM vẫn có những chuyến thăm và tiếp đón các đoàn, hiệp đoàn ngành gỗ Mỹ đến Việt Nam. Quan trọng là tạo mối quan tốt đẹp giữa doanh nghiệp hai nước.

Cùng ý kiến này, nhà ngoại giao kỳ cựu Phạm Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam cần phải tiếp tục đối thoại, giải thích cho nước Mỹ và các bộ phận liên quan nhìn nhận quá trình phát triển hai mặt và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc có lợi cho nhà đầu tư Mỹ.

Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị cần thiết để nắm bắt những cơ hội này. Cải cách bên trong vẫn là vấn đề quan trọng, để làm sao có thể tạo ra sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cùng tận dụng những thời cơ đó.

Bầu cử Mỹ luôn nhận được nhiều quan tâm của người dân, chuyên gia, chính khách và các doanh nghiệp. Sự kiện toàn cầu này có khả năng tạo ra những biến động lớn trong chính sách kinh tế, ngoại giao, và an ninh quốc tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với mục tiêu cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam về những thay đổi tiềm năng trong chính sách thương mại, thuế quan, và các yếu tố kinh tế khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh liên quan kết quả bầu cử ở Mỹ; giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu và chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau liên quan đến bầu cử Mỹ, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức tọa đàm "Bầu cử ở Mỹ và những khả năng tác động đến kinh tế Việt Nam".

Với sự điều phối của ông Huỳnh Thế Du, thành viên của Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và ông Trần Xuân Toàn phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Chương trình thu hút sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia và doanh nghiệp đại diện hiệp hội đang có mối quan hệ làm ăn với thị trường Mỹ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020