Chuyên mục  


Iran thử tên lửa đạn đạo, Mỹ báo động quân đội tại Trung Đông

Đợt phóng thử tên lửa Qiam-1 của Iran. Video: Twitter.

Iran hôm 27/5 công bố video vụ thử tên lửa đạn đạo Qiam-1 từ một căn cứ bí mật dưới lòng đất, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng sau một loạt hoạt động triển khai lực lượng quân sự và những lời đe dọa cứng rắn từ cả hai phía.

Động thái của Tehran được giới chuyên gia đánh giá là thông điệp răn đe Washington, nhắc nhở rằng Mỹ và đồng minh có thể trả giá rất đắt nếu phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Iran, quốc gia đang sở hữu kho lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông, đủ sức hủy diệt các thành phố của đồng minh Mỹ và căn cứ đồn trú của lính Mỹ trong khu vực.

Trong hàng chục năm qua, Tehran đã mạnh tay đầu tư xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) nhằm răn đe, ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Washington ở vịnh Ba Tư. Nòng cốt của chiến lược này là các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được Iran chế tạo với sự hỗ trợ từ Libya, Triều Tiên và Trung Quốc.

Trụ cột của lực lượng tên lửa Iran là dòng tên lửa đạn đạo Shahab với ba biến thể được nâng cấp liên tục. Mẫu Shahab-1 phát triển dựa trên dòng Scud-B Liên Xô, được Iran mua lại từ Libya và Triều Tiên. Biến thể này có tầm bắn 285-330 km và mang đầu đạn nặng một tấn. Iran đang sở hữu khoảng 300 quả tên lửa loại này.

Tên lửa Shahab-2 có tầm bắn xa gấp rưỡi Shahab-1 nhưng chỉ mang được đầu đạn 770 kg. Shahab-2 được Iran nghiên cứu từ 100-170 tên lửa Scud-C mua từ Triều Tiên rồi tự mình sản xuất. Tên lửa được thử nghiệm lần đầu năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2004.

Tên lửa Shahab-3 bắn thử hồi năm 2017. Ảnh: IRNA.

Các tên lửa Shahab-1 và Shahab-2 đều được đặt trên xe chở đạn kiêm bệ phóng, cho phép triển khai tại nhiều trận địa và tránh được đòn phủ đầu của đối phương. Mẫu Qiam-1 được phóng thử hôm 27/5 cũng là biến thể được phát triển từ Shahab-2 với tầm bắn khoảng 750 km.

Phiên bản nổi bật nhất của dòng Shahab là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) Shahab-3 được Iran phát triển từ nền tảng tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên. Mỗi quả đạn có thể đạt tầm bắn 1.000-2.000 km tùy phiên bản, có thể mang đầu đạn hạt nhân với tải trọng 1,2 tấn.

Các tầng đẩy và đầu đạn của Shahab-3 được thiết kế tách biệt, gây khó khăn cho quá trình đánh chặn của đối phương. Tuy nhiên, độ chính xác thấp khiến nó chỉ phù hợp để tấn công các mục tiêu lớn như thành phố hoặc căn cứ chiến lược. Iran thử nghiệm Shahab-3 trong giai đoạn 1997-2002, sau đó đưa khoảng 50 quả đạn vào biên chế năm 2003.

Tuy nhiên, các phiên bản Shahab đều sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi quy trình bảo dưỡng và vận hành phức tạp, giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu trong các tình huống cần phản ứng nhanh. Điều này hối thúc Tehran cho ra đời các tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn có thời gian chuyển trạng thái chiến đấu rất ngắn và bảo quản dễ dàng hơn.

Tên lửa đạn đạo Sejjil trong đợt bắn thử năm 2009. Ảnh: Fars News.

Iran đang biên chế tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh sử dụng nhiên liệu rắn với hai phiên bản chính là Fateh-110 và Fateh-313.  Tên lửa Fateh-110 đạt tầm bắn 210 km, có độ chính xác vượt xa dòng Shahab với khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 100 m. Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 từ năm 1995 và biên chế năm 2004.

Fateh-313 là bản tăng tầm của tên lửa Fateh-110, có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 500 km với độ chính xác rất cao nhờ được lắp đầu dẫn quang - điện. Mẫu Fateh-313 dường như đã xuất hiện trong biên chế quân đội Iran từ năm 2015.

Năm 2016, Iran ra mắt biến thể mới nhất thuộc dòng Fateh mang tên Zolfaghar. Tên lửa có tầm bắn 700 km, hình dáng và kích cỡ giống Fateh-110 nhưng có hệ thống dẫn đường hoàn toàn mới. Zolfaghar có thể mang đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm với khối lượng tối đa 450 kg. Loại tên lửa này từng được Iran dùng để tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria năm 2017.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil là một trong những vũ khí uy lực nhất của Iran, có tầm bắn 2.000 km và mang theo đầu đạn nặng tối đa 1,5 tấn.

Iran bắt đầu phát triển Sejjil cuối thập niên 1990, nhưng chỉ đưa vào biên chế từ năm 2012.  Dù mẫu tên lửa này hoàn toàn do Tehran tự thiết kế, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Sejjil có rất nhiều điểm tương đồng với tên lửa DF-11 và DF-15 của Trung Quốc.

Tehran tuyên bố đã phát triển được nhiều biến thể của dòng Sejjil, trong đó có mẫu Sejjil-3 đạt tầm bắn tối đa 4.000 km.

 Dàn tên lửa có thể bao trùm toàn bộ Trung Đông của Iran. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Để tấn công mục tiêu trên biển, Iran nghiên cứu tên lửa đạn đạo diệt hạm Khalij Fars phục vụ chiến lược A2/AD nhằm đối phó quân đội Mỹ ở vịnh Ba Tư. Được thử nghiệm và biên chế năm 2011, tên lửa Khalij Fars có tầm bắn 300 km, mang theo đầu đạn nặng 650 kg, đạt tốc độ siêu âm và được trang bị các hệ thống dẫn đường chính xác cao, cho phép đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kinh 8,5 m. Tehran đã ra mắt biến thể trang bị đầu dò thụ động Hormuz-1 và radar chủ động Hormuz-2.

"Ngoài các dòng vũ khí chủ lực này, Iran cũng sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình có uy lực. Tên lửa đạn đạo luôn là át chủ bài trong chiến lược răn đe của Iran, có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Mỹ đang triển khai ở Trung Đông và một phần châu Âu khi nổ ra chiến tranh", chuyên gia quân sự Zachary Keck nhận định.

Duy Sơn (Theo National Interest)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020