Chuyên mục  


sanbaytsn-vietjetairsanhcholentaubay5-2036777-2read-only-169807644927160757603-17246542753351592132695.jpg

Khách làm thủ tục lên máy bay dịp lễ Tết 2023 tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, nhiều hành khách bất ngờ khi có một khoản tiền kha khá đổ về tài khoản sau khi máy bay chậm chuyến hoặc hủy chuyến.

Theo tìm hiểu, việc bồi thường cho hành khách bị trễ, hủy chuyến bay là từ bảo hiểm.

Nhằm góp thêm góc nhìn, Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Nhất Nguyên (TP.HCM).

Tiền bồi thường bỏ trong phong bì rất đẹp, trao tận tay

Một người bạn của tôi vừa hào hứng khoe được bồi thường gần 1 triệu đồng do chuyến bay của anh bị trễ giờ khởi hành hơn 3 tiếng.

Và cũng như nhiều độc giả chia sẻ, khoản tiền này có được là do anh đã mua bảo hiểm thông qua một ví điện tử, chứ không phải khoản tiền bồi thường do hãng bay chi trả.

Việc các hãng hàng không tự nguyện bồi thường cho hành khách vì lỗi khách quan, không phải do khách gây nên không phải là chuyện hiếm và cũng không phải mới xảy ra gần đây.

Cách đây nhiều năm, chuyến bay từ TP.HCM đi Paris (Pháp) của tôi với một hãng hàng không nước ngoài bị trễ, khiến tôi không thể lên kịp chuyến bay đi Na Uy theo đúng lịch trình dự định.

Ngay tại sân bay Charles de Gaulle, hãng đã lập tức bồi thường bằng việc sắp xếp chỗ trên chuyến bay sớm nhất kèm theo một khoản tiền, được phép lựa chọn giữa tiền mặt hoặc voucher có giá trị cao hơn để giảm trực tiếp cho lần mua vé sau với hãng, mà tôi không phải điền đơn xin gì cả.

Lần khác, chuyến bay nội địa tại Nhật bị hoãn hai lần, theo thông báo của hãng là do sự cố kỹ thuật. Tổng thời gian hoãn gần 3 tiếng. Hãng bay đã nhanh chóng cử nhân viên ra xin lỗi, cho phép hành khách nào không muốn bay nữa có thể hoàn vé không mất phí, kèm theo phiếu giảm giá.

Còn với những khách đồng ý bay tiếp, ngay ở cửa ra máy bay, mỗi người được gửi một khoản tiền bồi thường 5.000 yen, được bỏ trong một phong bì rất đẹp, được trao tận tay kèm cái cúi người xin lỗi của nhân viên đại diện hãng.

Có thể quy định mỗi nước mỗi khác, tiêu chuẩn phục vụ của mỗi hãng mỗi khác, nhưng nhìn lại cách ứng xử của các hãng bay trong nước mà không khỏi chạnh lòng.

Miễn cưỡng đưa tiền

Cách đây gần một năm, chuyến bay đi Quảng Ninh của tôi không hạ cánh được do thời tiết xấu, phi công thông báo buộc phải quay qua hạ cánh tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Toàn bộ hành khách sau đó được cho phép rời khỏi máy bay, đi vào nhà ga lấy hành lý, tuyệt nhiên không có nhân viên nào có mặt để cung cấp thông tin hay đưa ra phương án giải quyết nào cho hành khách.

Trước sức ép của nhiều hành khách, một người xuất hiện và xưng là đại diện hãng cho biết ai muốn bồi thường thì điền tên vào danh sách, xuất trình giấy tờ, căn cước công dân rồi hãng đền cho 200.000 đồng, tự bắt xe về điểm đến.

Thấy vậy tôi và đồng nghiệp đành tự bắt xe taxi đi về Hạ Long hết hơn 500.000 đồng vì không có thời gian chờ kiểm tra, xác minh rồi nhận tiền. Dĩ nhiên sau đó cũng chẳng có email hay điện thoại nào từ hãng để xin lỗi hay bồi thường thêm.

Lần khác chuyến bay từ TP.HCM đi Huế bị hủy vào giờ chót khi toàn bộ hành khách đã tập trung ở cửa ra máy bay, với lý do sự cố kỹ thuật. Sau đó không còn chuyến nào đi Huế, và những gì hãng có thể làm là mở một lối đi riêng cho hành khách xuống dưới lấy hành lý rồi ra về.

Ai có thắc mắc thì chỉ được trả lời gọn lỏn: Liên hệ nơi mua vé để được hỗ trợ! Ai có nhà ở  TP.HCM còn có thể bấm bụng tốn tiền đi taxi về lại nhà mình, còn những khách từ nơi xa đến, khách du lịch, công tác thì coi như phải chi thêm một khoản tiền để thuê khách sạn ngủ qua đêm.

Với những trường hợp như trên, giá như hãng bay tổ chức ngay một chuyến xe trung chuyển đưa khách qua Hạ Long; hay nhanh chóng cho khách ở một khách sạn nào đó gần sân bay miễn phí một đêm trong khi chờ được xếp chuyến bay tiếp theo đi Huế vào hôm sau và kèm theo một lời xin lỗi chân thành thì hay biết mấy.

Vậy mới có chuyện khách hàng phải mua bảo hiểm chuyến bay qua bên thứ ba mà không phải mua trực tiếp với hãng, bởi ngại bị yêu cầu cung cấp chứng từ, phải chờ mòn mỏi để được giải quyết...

Cần sòng phẳng với hành khách

Biết rằng thời tiết, sự cố kỹ thuật cùng nhiều lý do khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay, đến hành trình, giờ giấc khởi hành và chẳng ai, từ hành khách đến hãng bay, mong muốn những chuyện này xảy ra với mình.

Nhưng hãng bay, với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ, hoàn toàn có quyền chọn cách ứng xử của mình sao cho phù hợp, công bằng với hành khách, tạo uy tín cho chính hãng.

Nếu chẳng may hành khách vì lý do bất khả kháng đến trễ thì sẽ bị hủy vé, bắt mua lại vé mới, đóng thêm tiền.

Vậy thì các hãng bay nước ta cũng cần tuân thủ nghiêm túc, tự nguyện bồi thường thỏa đáng, xin lỗi chân thành đến hành khách vì chuyến bay bị hoãn, bị hủy.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020