Chuyên mục  


Đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến tháng 10 lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025.

Quy định hiện hành, Việt Nam áp dụng mức thuế suất tỷ lệ trên giá bán ra của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Theo đó, thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia là 65%, còn rượu dưới 20 độ là 35%. Song, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế rượu bia ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi các nước tỷ trọng 40-85% giá bán lẻ. Do đó, WHO khuyến nghị cần tăng giá bán lẻ ít nhất 10%.

Vì vậy, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế đối với rượu bia. Phương án 1: Giá bán năm 2026 tăng 2-3% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

Phương án 2: Giá bán năm 2026 tăng 10% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

So sánh tác động của hai phương án, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 bởi cho rằng phương án này có tác dụng tăng giá, giảm khả năng chi trả sản phẩm rượu, bia mạnh hơn. Phương án này cũng tác động cao hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do lạm dụng chúng.

Tại hội thảo Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường, do Bộ Y tế tổ chức sáng 20/9 bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết cũng thiên về phương án 2, đồng thời nhìn nhận thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam hiện thấp. Thời gian qua, Việt Nam tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình năm 2016-2018, song sức mua vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Do vậy, tình hình sử dụng rượu, bia vẫn ở mức cao.

Cụ thể, sản lượng bia tăng từ 3,526 tỷ lít (năm 2015) lên 4,593 tỷ lít (năm 2019); rượu cũng tăng từ 310,3 triệu lít lên 331,7 triệu lít trong cùng thời gian này. Năm 2022, sản lượng bia là 4,4 tỷ lít và sản lượng rượu là 315 triệu lít/năm, theo Tổng cục thống kê.

Còn điều tra của WHO năm 2021 cho thấy hơn 64% nam giới và gần 10% nữ giới sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại rất phổ biến, đặc biệt ở nam hơn 28%.

Rượu bia là căn nguyên gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích, như rối loạn sử dụng rượu bia, tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mạn tính, bệnh tim mạch, ung thư, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông... Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia, hạn chế tiếp cận mặt hàng này.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, tại hội thảo sáng 20/9. Ảnh: N.Phương

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá, đồ uống có đường. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa các mặt hàng này vào, là tín hiệu đáng mừng.

"Luật này là sự đấu tranh mâu thuẫn lợi ích rất lớn giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ chăm sóc sức khỏe, tăng thu cho ngân sách", bà Thủy nói, thêm rằng Bộ Y tế liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế. Tuy nhiên, Bộ cũng nhận được đề nghị từ WHO và nhiều tổ chức về chính sách tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận với các nước trong khu vực và bảo vệ sức khỏe người dân.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020