Chuyên mục  


-17242988137151613717950.jpg

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư). Nguồn ảnh: FT

Tờ Financial Times (FT) đưa tin, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi lớn nhất từ sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các công ty đang tìm cách bảo vệ chuỗi cung ứng của mình trước cuộc chiến thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo đó, Việt Nam hiện là nơi đặt các trung tâm sản xuất quan trọng cho các công ty như Samsung và Foxconn. Tuy nhiên, cường quốc sản xuất Đông Nam Á này đang gặp phải một số khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị cao hơn, chẳng hạn như vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề và nguồn cung điện. Chưa kể, quốc gia này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh về đầu tư công nghệ từ các nước Đông Nam Á như Malaysia.

Trước tình hình đó, Việt Nam đang tìm hiểu các ưu đãi "đột phá" để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng xanh, khi này tìm cách thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

"Trong bối cảnh toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam cần những [khuyến khích] đột phá cũng như các chính sách và ưu đãi đầu tư có tính cạnh tranh cao", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài trả lời phỏng vấn tờ Financial Times.

Thông tin với FT, ông Hoàng cho hay, hiện đang có "hàng chục tỷ USD" các dự án đầu tư công nghệ cao tiềm năng đang được đàm phán. Song, việc thực hiện những dự án này phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi và cho biết thêm Việt Nam đang xem xét đưa ra các ưu đãi đặc biệt về phí thuê đất, thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu.

"Từ năm 2024, Việt Nam đã áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Chính phủ đang xây dựng một quỹ hỗ trợ đầu tư cho các công ty đang có kế hoạch đầu tư công nghệ cao. Những dự án công nghệ cao này, cũng là những dự án quy mô lớn, đòi hỏi các thủ tục hành chính rất nhanh chóng", ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có kế hoạch hợp tác với các trường đại học và các công ty đa quốc gia để nâng cao lực lượng lao động, đẩy nhanh việc cấp phép và đăng ký.

Theo FT, nguồn cung cấp điện không ổn định cũng là một yếu tố cản trở. Năm ngoái, tình trạng thiếu hụt đã gây ra tình trạng mất điện và ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Về vấn đề này, ông Hoàng cho biết, tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Việt Nam đã không còn. Vào tháng 7, Việt Nam cũng cho phép một số đơn vị mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và điện gió, một động thái có lợi cho các nhà sản xuất lớn.

"Chúng tôi chắc chắn có thể đáp ứng được nhu cầu mà các nhà đầu tư này đưa ra", vị lãnh đạo khẳng định.

Việt Nam vẫn là điểm thu hút hàng đầu đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn FDI đăng ký đã tăng gần một phần ba vào năm 2023, lên mức 36,6 tỷ USD, trong đó, 23,2 tỷ USD đã được giải ngân. Trong 5 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ thu hút được ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm vốn FDI đăng ký, với tỷ lệ cao hơn cho các khoản đầu tư công nghệ cao.

Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, HSBC khuyến nghị, nếu Việt Nam muốn duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là quốc gia này phải "leo lên trên chuỗi giá trị sản xuất và nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong nước của những hàng hóa này".

Các nhà phân tích của HSBC viết rằng: "Điều này đòi hỏi phải có những bước đi chủ động để thúc đẩy nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực kỹ thuật và cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có để tạo điều kiện và đáp ứng thêm dòng vốn FDI".

Nguồn: HSBC

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020