Chuyên mục  


"Cựu thủ tướng Sheikh Hasina, các cố vấn và thành viên nội các của bà, cũng như tất cả thành viên trong quốc hội từng được cấp hộ chiếu ngoại giao theo quy định. Nếu họ đã bị cách chức hay nghỉ hưu, hộ chiếu ngoại giao của họ, cũng như của vợ chồng họ, đều không còn hiệu lực", Bộ Nội vụ thuộc chính phủ lâm thời Bangladesh ra tuyên bố ngày 22/8.

Chính phủ lâm thời Bangladesh cho biết bà Hasina và các cựu quan chức cấp cao trong nội các của bà có thể nộp đơn làm hộ chiếu phổ thông và chờ chấp thuận từ cơ quan an ninh.

Chính quyền của bà Hasina đang bị cáo buộc lạm quyền, trong đó có bắt giam hàng loạt và sát hại những chính trị gia đối lập. Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc hôm 22/8 tới Bangladesh để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền với những cuộc biểu tình ở nước này gần đây.

Bà Sheikh Hasina tại Bangkok, Thái Lan, hôm 26/4, trước khi bị phế truất. Ảnh: AFP

Bangladesh từ đầu tháng 7 chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra khắp cả nước. Sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng con cháu cựu chiến binh.

Theo lệnh của bà Hasina, cảnh sát Bangladesh đã mạnh tay trấn áp biểu tình, khiến bạo lực nổ ra, hơn 450 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, nhưng không ngăn được làn sóng phản đối đòi thủ tướng từ chức. Do áp lực từ các cuộc biểu tình và sức ép của quân đội, bà Hasina đã chấp nhận từ bỏ quyền lực và lên trực thăng rời Bangladesh sang Ấn Độ.

Cựu thủ tướng Bangladesh cho rằng "những kẻ nhân danh biểu tình" đã gây ra tình trạng bạo lực, đốt phá trên khắp đất nước, khiến nhiều người thiệt mạng. Bà kêu gọi mở điều tra và bắt những kẻ gây rối chịu hình phạt thích đáng.

Bà Hasina dự định trở về Bangladesh khi nước này tổ chức tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử sẽ do chính phủ lâm thời của ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, tổ chức.

Ngọc Ánh (Theo AFP, IndiaTimes)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020