Chuyên mục  


Tòa án Tối cao Mỹ ngày 1/7 ra phán quyết tổng thống được hưởng quyền miễn trừ với hành động công vụ, nhưng không áp dụng với các hành động theo tư cách cá nhân. 6 thẩm phán bỏ phiếu thuận, trong khi ba thẩm phán bỏ phiếu chống.

Chánh án John Roberts nêu rõ phán quyết này không đồng nghĩa tổng thống đứng trên luật pháp và việc miễn tố chỉ áp dụng đối với hành động công vụ. Tuy nhiên, ba thẩm phán phản đối phán quyết là Sonia Sotomayor, Ketanji Brown Jackson và Elena Kagan đã nêu ra loạt khả năng tiêu cực liên quan quyết định này.

Theo ba thẩm phán này, phán quyết của tòa "đã cười nhạo các nguyên tắc vốn là nền tảng của hiến pháp và chính thể, rằng không ai được đứng trên luật pháp".

"Tổng thống Mỹ là người quyền lực nhất đất nước, và có thể là nhất thế giới. Theo những thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ phán quyết, tổng thống sẽ được miễn tố khi sử dụng quyền lực của mình theo bất kỳ cách nào", thẩm phán Sotomayor lập luận. "Ra lệnh cho SEAL Đội 6 ám sát đối thủ chính trị? Được miễn tố. Tiến hành đảo chính để tiếp tục nắm quyền? Được miễn tố. Nhận hối lộ để ân xá cho ai đó? Cũng vẫn được miễn tố".

SEAL Đội 6 là Nhóm Triển khai Tác chiến đặc biệt Hải quân, là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ hàng đầu trong quân đội Mỹ, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tối mật.

Bà Sotomayor cho rằng thông điệp mà nhóm 6 thẩm phán đưa ra là cứ để tổng thống vi phạm luật pháp, lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, sử dụng quyền lực cho mục đích xấu xa vì sẽ không phải đối mặt hậu quả pháp lý.

"Trong mọi trường hợp sử dụng quyền lực, tổng thống chẳng khác nào một ông vua đứng trên luật pháp", thẩm phán Sotomayor nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts (phải) và thẩm phán Sonia Sotomayor tại tòa nhà quốc hội hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Thẩm phán Jackson nêu kịch bản một tổng thống Mỹ muốn cách chức bộ trưởng tư pháp và quyết định đầu độc, khiến bộ trưởng tử vong, tổng thống đó vẫn thoát tội bằng cách lập luận việc sa thải thành viên nội các là hành động công vụ.

Chánh án John Roberts cho rằng ý kiến bất đồng của các thẩm phán trên hoàn toàn không phản ánh đúng với những gì tòa án đang thực hiện.

"Do không có lý lẽ, những người phản đối liên tục cáo buộc tòa đã khiến tổng thống 'đứng trên luật pháp'. Cuối cùng, mọi quan điểm của họ đều phớt lờ phân lập quyền lực theo hiến pháp và tiền lệ của tòa, thay vào đó gieo rắc nỗi sợ hãi dựa trên những giả thuyết cực đoan về khả năng tổng thống có quyền vi phạm luật hình sự liên bang", ông Robert nhấn mạnh.

Robert lập luận rằng quyền miễn trừ nhằm đảm bảo tổng thống Mỹ có thể thực hiện các chức năng hiến định một cách hiệu quả, không phải chịu áp lực hay lo lắng rằng mình sẽ bị phe đối thủ trả đũa sau khi rời nhiệm sở.

Phán quyết được đưa ra sau khi tòa án liên bang Washington truy tố cựu tổng thống Donald Trump hồi tháng 8/2023 với cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol tháng 1/2021. Ông Trump phản đối, cho rằng những hành động của mình khi đó được miễn tố vì ông được hưởng quyền miễn trừ hành pháp.

Ông Trump ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao, gọi đây là "chiến thắng lớn cho hiến pháp và nền dân chủ". Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden chỉ trích phán quyết đặt ra tiền lệ nguy hiểm và đồng nghĩa không có giới hạn nào đối với những việc tổng thống có thể làm.

3 thẩm phán phản đối là những người theo khuynh hướng tự do, được chỉ định dưới thời các tổng thống thuộc đảng Dân chủ. 6 người còn lại có xu hướng bảo thủ, được chỉ định dưới thời các tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, 3 thẩm phán trong số này được bổ nhiệm dưới thời Trump.

Huyền Lê (Theo Fox, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020