Chuyên mục  


Lê Phương Thanh Uyên, hiện dạy tiếng Anh tự do ở Đà Lạt, đạt 9.0 IELTS nhờ thi lại kỹ năng Đọc hôm 29/8. Theo thống kê, năm 2022, chỉ khoảng 1% số người thi ở Việt Nam đạt 8.5 trở lên, ở mốc 9.0 chỉ có hơn chục người.

Trước đó, ở lần thi hôm 20/8, Uyên được 8.5 với phần Nghe và Nói cùng đạt 9, Đọc 8.5, Viết 8. Nhận kết quả, cô bất ngờ vì điểm một số kỹ năng không như kỳ vọng.

"Tôi đề nghị phúc khảo bài Viết nhưng điểm không thay đổi. Tôi quyết định thi lại phần Đọc vì tự tin với kỹ năng này", Uyên, 31 tuổi, nói.

Cô nhận định phần thi này thường có "bẫy" ở dạng True/False/Not Given và bài chọn đáp án đúng số 3, khiến người thi dễ mất điểm. Nhiều thí sinh chỉ đọc một câu rồi kết luận True (đúng) mà không biết câu sau có thể tương phản (False) hoặc có thêm ý tưởng (Not Given). Hôm thi, Uyên chủ quan nên đã mất điểm ở 1-2 câu.

Lê Phương Thanh Uyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thanh Uyên từng tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Đà Lạt, năm 2015. Sau một thời gian làm việc ở TP HCM, cô về quê dạy học cho một trung tâm tiếng Anh, rồi tự tổ chức các nhóm nhỏ qua mạng. Trong lần đầu thi IELTS vào năm ngoái để kiểm tra khả năng và cập nhật độ khó của đề, cô đạt 8.5.

Cô gái 31 tuổi cho rằng việc được điểm cao phần lớn là nhờ ham đọc. Uyên xác định không học tiếng Anh để đi thi mà học để có thể đọc được ngôn ngữ này. Vì thế, cô duy trì thói quen đọc nhiều năm qua, không nhất thiết phải là tài liệu học thuật, đôi khi chỉ là tiêu đề báo, các bài đăng trên diễn đàn Quora hay Reddit, truyện tranh...

Uyên đặc biệt thích các tác phẩm văn chương, phi hư cấu hoặc những cuốn về triết học, chính trị. Thích cuốn nào, Uyên sẽ tìm nhận xét, đánh giá của độc giả về cuốn đó. Khi đọc xong, Uyên sẽ ghi lại những chi tiết ấn tượng, suy nghĩ của bản thân hoặc từ vựng và cấu trúc mới.

"Hơn 10 năm qua, kho tàng của mình là những cuốn sách đầy dấu gạch chân, sổ, tờ ghi chú hay những trang lưu trữ trên mạng để học cả tiếng Anh và tiếng Việt", Uyên kể.

Theo Uyên, đọc tốt giúp cô tích lũy từ vựng, viết tốt và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên. Cô cũng từng dịch sách, như cuốn "Picaso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" của tác giả Miles J Unger, kể về cuộc đời của danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha.

Ngoài ra, Uyên thường nghe podcast chủ đề lịch sử, văn hóa, truyền thông đại chúng và nghị luận xã hội trên Big Think; xem nhiều video trên YouTube với nội dung đa dạng. Cô tự tạo ra môi trường nói bằng cách nghe rồi tự nghĩ chủ đề, sau đó tự nói một mình.

Vì thế, khi thi IELTS, Uyên không luyện tập nhiều, chỉ tìm hiểu để nắm bắt cấu trúc bài thi, cũng như tiêu chí chấm điểm.

"Vì bình thường hóa IELTS nên mình có tâm lý thoải mái, đi thi nhẹ nhàng", Uyên nói. Với những người có định thi, cô gợi ý tìm hiểu bản thân đang ở trình độ nào và đặt mục tiêu thực tế.

"Không có cột mốc thời gian nào cho tất cả mọi người, như ba tháng hay 6 tháng để lên điểm mà phụ thuộc nhiều yếu tố, từ sự cam kết, nỗ lực của bản thân đến cách học đúng", Uyên nhìn nhận.

Ngoài ra, người học không nên phụ thuộc vào các tài liệu tham khảo hay bộ đề dự đoán trên mạng. Việc "cày" đề cần được tận dụng để học từ vựng, cấu trúc câu. Khi làm từng dạng bài, thí sinh nên xem dạng nào hay sai để cải thiện.

Về dự định của bản thân, Uyên cho hay sẽ trau dồi kỹ năng Viết để có thể nâng điểm lên được 8.5 hoặc 9.

"Tôi thi thêm để có trải nghiệm chia sẻ với học sinh", cô cho biết.

Bình Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020